Thực hiện chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và gắn với xây dựng nông thôn mới theo “Đề án Tái cơ cấu ngành thủy lợi” được phê duyệt tại Quyết định số 794/QĐ-BNN-TCTL ngày 21/4/2014,
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tiến hành rà soát, tổng hợp và đánh giá ưu nhược điểm của các mô hình canh tác nông nghiệp tưới tiên tiến tiết kiệm nước, kết quả cụ thể như sau:
Đến nay, Thành phố Hà Nội đã xây dựng tổng cộng 128 mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn. Trong đó, hệ thống thâm canh lúa cải tiến – SRI có 120 mô hình, tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Mỹ Đức Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa; hệ thống tưới tiết kiệm phun mưa, nhỏ giọt có 03 mô hình, áp dụng đối với các cây ăn quả như Thanh Long, Cam Canh, Bưởi trên địa bàn các huyện Ba Vì, Chương Mỹ; hệ thống tưới đến bờ ruộng có 05 mô hình áp dụng đối với rau, màu trên địa bàn các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ.
Kết quả thực hiện mô hình trên đồng ruộng với phương pháp thâm canh cải tiến SRI cho cây lúa đã đem lại hiệu quả cao về sử dụng đất, nước, góp phần bảo vệ môi trường cũng như vốn đầu tư, kết quả rõ nét như: Giảm lượng giống gieo trồng; giảm lượng đạm; hạn chế dịch bệnh phát sinh phát triển, tiết kiệm thuốc trừ sâu, trừ cỏ; Hạn chế ô nhiễm môi trường; tiết kiệm công lao động (cấy, phun thuốc, làm cỏ); tiết kiệm 40-50% lượng nước tưới; cây lúa đẻ nhánh khỏe, đẻ tập trung không có nhánh vô hiệu, cứng cây, bông to nhiều hạt; tăng năng suất bình quân từ 10-12%. Đối với kỹ thuật tưới phun mưa là kỹ thuật đưa nước tưới cho cây trồng vào mặt ruộng dưới dạng mưa nhân tạo nhờ các thiết bị tạo dòng phun mưa, tia mưa thích hợp, có nhiều ưu điểm như hạn chế cao độ thất thoát nước do bốc hơi vì tia phun ngắn; cường độ phun mưa, diện tích, khoảng không gian làm ướt có thể được điều chỉnh cho phù hợp sự tăng trưởng của cây trồng. Do toàn bộ hệ thống đường ống đặt ngầm nên tiết kiệm đất, thuận tiện cho công tác chăm sóc trên đồng ruộng; hệ thống thiết bị điều khiển tự động và điều kiển từ xa nên tiết kiệm sức lao động; hạn chế sâu bệnh, cỏ dại phát triển; kết hợp được tưới nước, bón phân hóa học, phun thuốc bảo vệ thực vật. Một lợi thế quan trọng khác, đó là áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước có thể tạo ra phương thức sản xuất nông nghiệp mới trên các vùng đất dốc.
Hiện nay, nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố ngày càng khó khăn. Đối với vùng Bán sơn địa, miền núi tập trung ở khu vực hữu sông Tích, sông Bùi, khu vực phía Tây và Bắc huyện Sóc Sơn chỉ có thể dùng nguồn nước tại chỗ, nhưng trữ lượng còn hạn chế, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, như các hồ Mèo Gù, Cẩm Quỳ, Suối Hai, Đồng Mô, Tân Xã, Đồng Sương, Văn Sơn, Quan Sơn (Hữu Tích), Đồng Quan, Kèo Cà, Đồng Đò (Sóc Sơn)... do đó, một số khu vực vùng bán sơn địa thuộc Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai phải dùng hệ thống bơm nhiều cấp để lấy nước từ sông ngoài, đặc biệt như hệ thống Nội Bài phải bơm đến 3 cấp.
Đối với vùng đồng bằng chủ yếu dùng nguồn nước sông ngoài, trong đó sông Hồng chiếm xấp xỉ 70% nhu cầu nước. Lưu lượng sông Hồng, sông Đuống đủ để cung cấp cho Thành phố, tuy nhiên, mực nước sông trong mùa kiệt những năm gần đây xuống rất thấp (thấp hơn cao trình đáy cống lấy nước của cống Liên Mạc), mực nước tại các bể hút trạm bơm ven sông Đà, sông Hồng, sông Đuống như Trung Hà, Cẩm Đình, Phù Sa, Xuân Phú, Đan Hoài, Hồng Vân, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Thịnh Liên thấp hơn nhiều so với thiết kế nên dẫn tới lưu lượng cấp thấp hơn yêu cầu. Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã tham mưu, đề xuất phương án đảm bảo nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong điều kiện khó khăn trên; Thành phố đã cho lắp đặt và sử dụng nhiều trạm bơm dã chiến để bơm nước hỗ trợ (như tiếp nguồn cho sông Đáy từ sông Hồng qua trạm bơm dã chiến Bá Giang…). Đối với các quận, huyện phía tả sông Đáy của Hà Nội và Duy Tiên, Kim Bảng, Phủ Lý của Hà Nam thì sông Nhuệ là trục cấp nước chính, lưu lượng thiết kế mùa kiệt của cống Liên Mạc hiện nay là gần 37m3/s, nhưng do mực nước sông Hồng ở mức thấp nên không đảm bảo lưu lượng yêu cầu cấp.
Trước sự phát triển của kinh tế xã hội, nhu cầu sử dụng nước không ngừng gia tăng và trước xu thế của Biến đổi khí hậu, các điều kiện về khí tượng, thủy văn có sự thay đổi, nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên, thảm phủ trên các lưu vực sông, hồ ngày càng giảm, hạn hán xuất hiện ngày càng gay gắt hơn..., dẫn đến việc chủ động về nguồn nước gặp nhiều khó khăn. Qua đó cho thấy nguy cơ thiếu nước trong những năm tới còn tiếp tục tiếp diễn. Vì vậy việc đẩy mạnh áp dụng các giải pháp như tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn là những biện pháp tất yếu và cần thiết.
Để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách tưới tiên tiến tiết kiệm nước cho cây trong cạn phục vụ Tái cơ cấu ngành thủy lợi trên địa bàn Thành phố, năm 2015, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã lập kế hoạch xây dựng Thiết kế điển hình, thiết kế mẫu, hướng dẫn kỹ thuật tưới tiết kiệm nước trên địa bàn các huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội trình UBND Thành phố phê duyệt và giao Chi cục Thủy lợi thực hiện trong năm 2016.
Với sự phát triển của xã hội, để đáp ứng yêu cầu phục vụ nguồn nước cho các ngành Kinh tế nói chung, ngành Nông nghiệp nói riêng, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã và các Doanh nghiệp thủy lợi nghiên cứu, đề xuất các giải pháp hiệu quả, quản lý khai tác tốt hệ thống công trình thủy lợi, dần từng bước đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác thủy lợi phục vụ sản xuất, đặc biệt là biện pháp tiết kiệm hiệu quả, chống thất thoát nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
Nguyễn Chí Linh, Chi cục Thủy lợi Hà Nội