Thủ đô Hà Nội là một trong những tỉnh, thành phố có địa bàn rộng với diện tích 3.345 km2, dân số khoảng 7,3 triệu người; địa hình đa dạng, phức tạp, hệ thống sông ngòi, hồ đập nhiều. Hệ thống sông chảy qua địa bàn Thành phố gồm 7 tuyến sông chính: Sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy; ngoài ra còn hệ thống sông nội địa: Sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà…, cùng với hệ thống sông là hệ thống các công trình phòng, chống lũ. Các tuyến Đê điều của Thành phố Hà Nội là hệ thống lớn với trên 626 km đê các loại bảo vệ thủ đô (Chi cục Đê điều và PCLB trực tiếp quản lý 404,016 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại 160 km đê cấp IV và 62,041 km đê cấp V do chính quyền UBND cấp quận, huyện quản lý). Hệ thống đê điều của Thành phố đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã với 223 xã, phường, thị trấn ven đê. Trong đó có những phường, xã có địa giới hành chính nằm hoàn toàn ngoài bãi sông như: phường Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương và xã Yên Mỹ, Duyên Hà, Kim Lan, Văn Đức….
Trong thời gian gần đây, thiên tai, lụt bão thường xảy ra đột xuất và ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường; mưa lớn xuất hiện và tập trung cục bộ ở một số vùng và không theo quy luật; các trận giông lốc, mưa đá, sét đánh xuất hiện với mật độ dày hơn và cường độ cũng mạnh hơn nên việc chủ động ứng phó trong phòng, tránh gặp nhiều khó khăn nhất định. Để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra, Chính quyền các cấp, các ngành, các địa phương đã chủ động rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, công trình ngăn lũ, chống lũ để có phương án, biện pháp xử lý kịp thời để đảm bảo an toàn trong mùa mưa, bão.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về mục tiêu, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, kế hoạch đầu tư phát triển các năm 2015 - 2020, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và PTNT, trên cơ sở chú trọng đầu tư, nâng cấp, tu bổ hệ thống công trình đê điều, công trình phòng, chống lụt nhằm hạn chế thấp nhất về thiệt hại do thiên tai gây ra, ngoài ra còn góp phần không nhỏ ổn định đời sống của nhân dân và phát huy hiệu lực, hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong những năm qua từ năm 2011-2015, việc sử dụng các nguồn vốn cho đầu tư công các công trình thuộc lĩnh vực thuỷ lợi, đê điều đã được Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội triển khai hiệu quả, đúng quy định đã góp phần quan trọng trong việc củng cố, nâng cấp các tuyến đê nhằm đảm bảo an toàn chống lũ thiết kế của các tuyến đê, xử lý dứt điểm các trọng điểm xung yếu về nền đê, thân đê, cải tạo mặt đê, cơ đê, đường hành lang chân đê; sửa chữa xây dựng mới các cống qua đê, nâng cấp hệ thống kè hộ bờ, kè chống sạt lở, đầu tư nâng cấp các công trình phụ trợ, công trình phục vụ công tác quản lý hệ thống đê điều kết hợp hài hoà và sử dụng đa mục tiêu ngoài nhiệm vụ phòng chống lũ công trình đê điều mới được đầu tư còn là nhân tố tác động tới việc thực hiện các mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Các dự án đầu tư công vào lĩnh vực đê điều, thuỷ lợi từ các nguồn vốn (Trái phiếu chính phủ, vốn XDCB Thành phố, vốn Sự nghiệp Thành phố) trong giai đoạn 2011-2015 đã góp phần quan trọng trong việc tu bổ, nâng cấp hệ thống đê, kè giữ vững an toàn, tài sản và tính mạng của nhân dân là yếu tố quan trọng tác động tới việc thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố và Sở, ban, ngành, địa phương.
Trong 5 năm qua, các hạng mục được Chi cục đầu tư, tu bổ đã khắc phục các sự cố sạt lở nguy hiểm, đảm bảo an toàn, tính mạng của nhân dân tại các khu vực ngoài bãi sông như: khu vực xã Minh Châu, Thọ An huyện Ba Vì; khu vực xã Hồng Hà, Thọ An thuộc huyện Đan Phượng; khu vực Chương Dương, Bạch Đằng thuộc quận Hoàn Kiếm; khu vực xã Ninh Sở thuộc huyện Thường Tín; khu vực xã Thuỵ Phú thuộc huyện Phú Xuyên; khu vực phường Ngọc Thuỵ, Ngọc Lâm, Bồ Đề thuộc quận Long Biên; khu vực xã Yên Viên, Lệ Chi, Bát Tràng thuộc huyện Gia Lâm; khu vực xã Cao Dương, Xuân Dương, Kim An thuộc huyện Thanh Oai qua đó từng bước xoá bỏ một số trọng điểm xung yếu về đê, kè.
Năm 2015 là năm đầu tiên UBND Thành phố cho triển khai công tác đặt hàng duy tu, sửa chữa một số hạng mục công trình đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội với 5 loại hình công việc: 1. Phát quang mái và chân đê; 2. Duy trì chăm sóc và bảo vệ tre chắn sóng; 3. Nạo vét rãnh thoát nước đỉnh kè; 4. Bảo trì cỏ kỹ thuật trên đê; 5. Sửa chữa, vá lấp ổ gà và các hư hỏng mặt đê. Dự án mới được triển khai thi công chưa thể đánh giá hết được hiệu quả đầu tư của công tác đặt hàng Duy tu, sửa chữa. Tuy nhiên qua 2 tháng triển khai thực hiện đến nay bộ mặt trên các tuyến đê đã từng bước được cải thiện rõ rệt như: Các khu vực được phát quang mặt đê, mái đê, chân đê đã được phát sạch sẽ, gọn gàng hơn; khu vực được chăm sóc bảo trì cỏ kỹ thuật thì mái đê được tạo phẳng, cỏ được trồng kỹ thuật đã tạo lên không gian cảnh quan của đô thị hiện đại và môi trường thân thiện…
Chi cục Đê điều và PCLB đã và đang khẩn trương triển khai thực hiện các dự án chống sạt lở, dự án tu bổ, duy tu công trình đê điều sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo danh mục được phê duyệt. Tuy nhiên trong những năm qua nguồn vốn đã phân bổ cho đầu tư các công trình đê điều chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện của các dự án lớn. Những năm tới, đề nghị UBND Thành phố tiếp tục bổ sung nguồn kinh phí để Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Đê điều và PCLB) triển khai thực hiện hoàn thành, dứt điểm các dự án chống sạt lở bờ bãi sông, các dự án chống xuống cấp công trình đê điều nhằm sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng và phát huy hiệu quả đầu tư.
Trần Quốc Vinh, Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội