Xây dựng nhiều phương án phòng chống ngập úng
Mùa mưa bão đang tới gần. Trong bối cảnh thời tiết diễn biến ngày một phức tạp, công tác phòng, chống ngập úng trên địa bàn TP trở thành vấn đề “nóng”, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.

 Không thể chủ quan

Năm 2014, Hà Nội chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 cơn bão số 2 và số 3, ít hơn về số lượng so với trung bình nhiều năm. Dù vậy, ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới vẫn gây ra những trận mưa vừa, mưa to đến rất to, tác động không nhỏ tới đời sống và sản xuất của người dân. Đơn cử như các đợt mưa lớn trong cơn bão số 2 gây ngập úng cục bộ trên nhiều tuyến phố như Phạm Văn Đồng, Vũ Trọng Phụng, Phan Văn Trường, Trần Bình… với độ sâu từ 0,1 – 0,2m. Các tuyến phố nội đô vốn nhỏ hẹp, mật độ người và phương tiện qua lại đông, lại rơi vào cảnh úng ngập khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Nguy hiểm tiềm ẩn khi người điều khiển phương tiện phải di chuyển qua các đoạn đường, tuyến phố đang trong quá trình cải tạo, nâng cấp; mặt đường mấp mô, lồi lõm với nhiều hố ga mất nắp…
\"Công
Công nhân vận hành hệ thống bơm nước tại Trạm bơm Phù Sa, thị xã Sơn Tây.
Trong cơn bão số 3, ngoài tình trạng ngập úng trên nhiều tuyến phố, lốc và gió to cũng khiến nhiều cây xanh bị gãy đổ, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân… Không chỉ ở nội thành, tại các huyện, thị xã khu vực ngoại thành – nơi sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn và là nguồn thu nhập chính của nông dân, mưa bão cũng gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Theo thống kê, trong mùa mưa bão 2014, trên địa bàn TP có 14.732ha lúa bị đổ nghiêng, trên 36ha diện tích hoa màu, cây ăn quả bị ảnh hưởng, và 633ha các loại cây trồng khác bị dập nát, gãy đổ.
Theo ông Nguyễn Văn Bảy – Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc bộ (Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia), năm 2015, thời tiết khu vực Bắc bộ nói chung, Hà Nội nói riêng vẫn diễn biến phức tạp. Khu vực Hà Nội được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp của 1 – 2 cơn bão. Ngoài ra, sẽ có từ 7 – 9 trận mưa to với lượng mưa trong những tháng cao điểm có xu hướng tăng từ 5 – 10% so với trung bình nhiều năm. Điều này cho thấy những nguy cơ hiện hữu về ảnh hưởng của mưa bão tới đời sống – sản xuất của người dân, và đây là bài toán không dễ đối với công tác phòng, chống ngập úng của TP.
Sẵn sàng trước mùa mưa bão
Khởi công 2 công trình tiêu úng trọng điểm trong tháng 10
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở NN&PTNT xây dựng phương án phòng chống thiên tai khu vực ngoại thành, phương án bố phòng hộ đê, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình thủy lợi; phương án phân, chậm lũ; phương án phòng chống úng ngập khu vực ngoại thành; khắc phục hậu quả sản xuất nông nghiệp. Tập trung hoàn thiện các thủ tục, triển khai khởi công xây dựng 2 công trình tiêu úng trọng điểm: Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và trạm bơm tiêu Đông Mỹ trong tháng 10/2015. (Ngọc Ánh)

Để chuẩn bị tốt nhất cho công tác phòng, chống ngập úng trên địa bàn TP trong mùa mưa bão 2015, các đơn vị chức năng, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP đã có những kế hoạch rất cụ thể. Theo ông Hoàng Nam Sơn – Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, Sở đã cụ thể hóa các phương án tiêu thoát nước, phân công nhiệm vụ tới từng phòng, ban chuyên môn. 32 công trình chống úng ngập cục bộ và một số dự án thoát nước trọng điểm đang được gấp rút hoàn thiện. Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tiến hành nạo vét các tuyến sông, trục cống chính, ga thu, hoàn thành trước tháng 6 để kịp phục vụ việc tiêu úng. Bên cạnh đó, Sở cũng bố trí 72 xe hút, xe téc; 20 máy bơm chìm; 11 máy phát điện; một tổ xe bơm di động, 100 ô tô chuyên dùng, máy xúc, xe tải cẩu… ứng trực tiêu úng tại 25 điểm thường xuyên xảy ra ngập úng trong khu vực nội đô.
Đối với khu vực ngoại thành, Sở NN&PTNT Hà Nội chỉ đạo các huyện đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, đảm bảo cấy xong cơ bản vụ mùa trước ngày 30/6; đồng thời, thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng – vật nuôi tại những vùng trũng nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra. Ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các địa phương được yêu cầu xây dựng phương án chống úng đối với từng vùng, thực hiện khoanh vùng khép kín khu tiêu, giữ nước vùng cao, vợi nước vùng trũng. Quan điểm của Sở là ưu tiên tiêu nước khu vực tập trung đông dân cư. Để chuẩn bị cho công tác tiêu úng khu vực ngoại thành, các chi cục Thủy lợi, chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão đã tiến hành rà soát các tuyến đê xung yếu, thực hiện xử lý cấp bách theo thứ tự ưu tiên và mức độ ảnh hưởng đến dân sinh, sản xuất; hoàn thành nạo vét 100% tuyến kênh mương, cửa xả ra sông, hoàn thành trước tháng 5… Được biết, 5 DN thủy lợi của TP cũng đã hoàn thiện các phương án phòng, chống úng ngập khu vực ngoại thành ứng với các kịch bản về cường độ mưa; đồng thời, bố trí cán bộ nhân viên túc trực 24/24 giờ tại các trạm bơm để sẵn sàng thực hiện công tác tiêu thoát nước khi cần thiết.
Công tác phòng, chống úng ngập được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP trong thời gian tới. Để công tác này được thực hiện có hiệu quả, bên cạnh tinh thần trách nhiệm của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, hỗ trợ kịp thời của TP trước, trong và sau diễn biến của mưa bão là vô cùng cần thiết.
Trọng Tùng
Báo Kinh tế đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 13680
Tổng lượng truy cập: 22132949