Nhìn lại chặng đường 60 năm qua, có thể khẳng định rằng, bất kỳ ở thời điểm nào, lớp lớp cán bộ đê điều Hà Nội đã luôn cố gắng nỗ lực đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Để minh chứng cho thành tựu phát triển hệ thống đê của Hà Nội, Phó trưởng phòng Quản lý đê điều, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Phạm Quang Đông dở cuốn tài liệu khá dày, cũ kỹ, sờn hết gáy ghi lại chính xác đến từng giờ, từng phút về những cơn lũ cho thấy việc phòng lụt, chống lụt của Hà Nội như một chiến dịch lớn, toàn thể nhân dân quyết tâm, vượt mọi khó khăn làm tròn nhiệm vụ đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt. Một vài năm trở lại đây, nhất là giai đoạn hợp nhất mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 20 tuyến đê chính dài hơn 626km được phân cấp quản lý, trong đó hơn 37km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt, gần 250km đê cấp I, 45km đên cấp II, gần 72,2km đê cấp III, 160km đê cấp IV, 62km đê cấp V. Ngoài ra, Hà Nội còn 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133 km chưa được phân cấp. Dọc các tuyến đê có 144 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn với tổng chiều dài gần 172km; 190 cống qua đê, 279 giếng giảm áp, 234 cửa khẩu, 367 điếm canh đê, 75 kho bãi vật tư phòng chống lụt bão...
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, cả hệ thống đê chống lũ thường xuyên và hệ thống đê phân lũ đều đáp ứng đủ khả năng chống lũ theo thiết kế hoặc vượt mức thiết kế. Những năm gần đây, ở nước ta, thiên tai đã gây nhiều tổn thất nặng nề về người, tài sản, tác động xấu đến môi trường và sức khỏe con người, Hà Nội cũng nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế, xã hội trên địa bàn. Gần đây, trận lụt lịch sử cuối năm 2008 đã gây ngập lụt nghiêm trọng cho cả khu vực rộng lớn ngoại thành và nội thành là một ví dụ điển hình về tác động của biến đổi khí hậu. Vì vậy, đặt ra thách thức ngày một lớn hơn cho công tác quản lý đê và phòng chống lụt bão của thành phố nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Để bảo đảm an toàn cho hệ thống đê, trong những năm qua, Hà Nội đã tập trung củng cố, nâng cấp, tu bổ, kè chống sạt lở, cứng hoá mặt đê, làm đường hành lang chân đê, trồng tre chắn sóng. Riêng 5 năm (2008-2013), ngân sách trung ương và thành phố đầu tư gần 1.326 tỷ đồng cho công tác tu bổ, nâng cấp công trình đê điều như xử lý khẩn cấp, khắc phục sự cố sạt lở đặc biệt nguy hiểm, bảo đảm an toàn đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân tại các khu vực như Ngọc Thuỵ, Ngọc Lâm, Bồ Đề (Long Biên), Yên Viên, Lệ Chi, Bát Tràng (Gia Lâm), Minh Châu (Ba Vì), Thọ An, Hồng Hà (Đan Phượng), Chương Dương (Hoàn Kiếm), Bạch Đằng (Hai Bà Trưng), Ninh Sở, Chương Dương (Thường Tín), Đại Gia (Phú Xuyên)...; gia cố, từng bước xoá bỏ một số trọng điểm xung yếu tại Cổ Đô (Ba Vì), Đổng Viên, Sen Hồ (Gia Lâm), Thanh Điềm (Mê Linh), Gia Thượng (Long Biên), Cầm Hà (Sóc Sơn)... Qua thống kê, gần 44km đê được đầu tư gia cố kè, chống sạt lở bờ sông, hơn 18,3km trồng tre chắn sóng, gần 42,6km làm đường hành lang chân đê; gần 80km mặt đê cứng hoá; gần 67,2km được xử lý ẩn hoạ thân đê; tu sửa 53 điếm canh đê, 12 kho dự trữ vật tư phòng chống lụt bão...
Bên cạnh đó, thực hiện chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020, thành phố đã giao Sở NN&PTNT Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai trong 5 năm, 10 năm và hàng năm. Riêng kế hoạch vốn đầu tư giai đoạn 2010 - 2015 để thực hiện chương trình gần 5.300 tỷ đồng. Ông Đỗ Đức Thịnh cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư, các tuyến đê từ cấp IV đến cấp đặc biệt cơ bản đã được cứng hóa. Đặc biệt, thành phố đang chỉ đạo triển khai dự án cải tạo, nâng cấp mặt đê hữu Hồng đoạn từ K0+000 (cầu Trung Hà, huyện Ba Vì) đến K117+850 (huyện Phú Xuyên) kết hợp làm đường đi, dài hơn 60km, tổng kinh phí khoảng 16.000 tỷ đồng; gia cố 3,25km nền đê Sen Chiểu kết hợp phát triển giao thông, tổng mức đầu tư 65 tỷ đồng; gia cố 28,1km mặt đê hữu Đà, hữu Hồng (Ba Vì), tổng mức đầu tư 64,7 tỷ đồng; xử lý cấp bách hộ chân chống sạt lở bờ sông Đà, sông Hồng và sông Đuống trên địa bàn thành phố Hà Nội dài 9,1km với tổng mức đầu tư 208 tỷ đồng.
Về lâu dài, UBND thành phố đã xác định nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống lụt bão là ưu tiên các nguồn lực để quy hoạch lại hệ thống đê điều, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối trước lũ bão ngày càng phức tạp và khó lường. Theo Quy hoạch Đê điều trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa xin ý kiến thoả thuận Bộ NN&PTNT, tổng vốn thực hiện bản quy hoạch này khoảng 45.342 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho giai đoạn 2014 - 2020 là 9.346 tỷ đồng; giai đoạn 2021 - 2025 là 18.355 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 là 17.640 tỷ đồng. Theo ông Đỗ Đức Thịnh, quy hoạch được nghiên cứu tính toán bảo đảm an toàn phòng, chống lũ của từng tuyến sông có đê, thích ứng với biến đổi khí hậu; phục vụ đa mục tiêu bao gồm phòng chống thiên tai, lụt bão, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường, xây dựng và phát triển đô thị...
Phát huy thành tích đáng tự hào trong suốt chặng đường đã qua, những người chiến sĩ bảo vệ vững vàng hệ thống đê của Hà Nội tiếp tục thi đua trong lao động, sản xuất làm tròn nhiệm vụ đắp đê, giữ đê, phòng lụt và chống lụt.