Để thúc đẩy sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tiếp tục khẩn trương khắc phục các sự cố và đề xuất nâng cấp hệ thống thủy lợi...
Khu vực xảy ra sự cố sạt lở tại kênh Đan Hoài (huyện Hoài Đức).
Hàng loạt sự cố
Kênh Đan Hoài có nhiệm vụ dẫn nước từ Trạm bơm Đan Hoài và Trạm bơm Bá Giang để cấp nước tưới cho khoảng 4.600ha sản xuất nông nghiệp của các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức và một phần của các quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm. Ngoài ra, tuyến kênh này còn tiếp nước hỗ trợ vùng ven sông Đáy cho khoảng 3.700ha đất canh tác của quận Hà Đông, phía Bắc huyện Thanh Oai và huyện Chương Mỹ... Tuy nhiên, quan sát tuyến kênh này trong ngày 8-11, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, hàng trăm mét tuyến kênh này đã bị sụt sạt, thu hẹp lòng dẫn...
Tương tự, nhiều tuyến kênh lớn làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu trên địa bàn các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên... đã bị sụt sạt bờ, mái kênh, bồi lắng lòng dẫn... Nghiêm trọng nhất là tuyến kênh Trung Thủy Nông thuộc địa bàn xã Kim Lan, Văn Đức (huyện Gia Lâm). 5 vị trí mái kênh dài khoảng 150m sạt gần kín lòng kênh, giảm năng lực tiêu úng cho hơn 2.350ha sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lâm và huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)... Không chỉ giảm công năng của công trình thủy lợi, các vị trí sụt sạt khoét sâu, tạo hàm ếch dưới bề mặt bê tông, đe dọa an toàn tính mạng người dân khi đi qua tuyến kênh này.
Trò chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, bà Chử Thị Phương và nhiều người dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) khẩn thiết đề nghị các cấp, ngành của thành phố Hà Nội sớm khắc phục sự cố tuyến kênh để đi lại an toàn và yên tâm đầu tư khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ... “Lúc này, gia đình chỉ mong các cấp, ngành sớm đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi cho người dân khôi phục sản xuất, sớm ổn định cuộc sống...”, bà Chử Thị Phương nói thêm.
Liên quan việc này, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm Nguyễn Đăng Tiến cho biết, cơn bão số 3 đã gây hư hỏng 21 công trình thủy lợi trên địa bàn. Do nguồn lực hạn chế, nên Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội mới bố trí kinh phí sửa chữa được 2 công trình là Trạm bơm Liên Đàm và Trạm bơm Cống Thôn. Số còn lại chưa thể tổ chức khắc phục.
Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho biết, chỉ riêng bão số 3 và mưa lũ sau đó đã làm 93 công trình thủy lợi của công ty bị hư hỏng. Để khắc phục các sự cố này, công ty cần khoảng 25 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế, nên công ty mới khắc phục 9 công trình trọng điểm phục vụ sản xuất vụ đông tại các huyện: Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn với tổng kinh phí 1,419 tỷ đồng.
Cải tạo, nâng cấp hệ thống
Theo phản ánh của 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố, mưa lũ lớn đã gây hư hỏng hơn 150 công trình thủy lợi; trong đó Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội có 93 công trình, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy có 21 công trình...
Để bảo đảm an toàn công trình, kịp thời vận hành phục vụ nông dân sản xuất, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, Sở đã đề xuất thành phố bố trí gần 124 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do bão lũ gây ra.
Để nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các cấp, ngành cải tạo, nạo vét tổng thể sông Đáy theo Quy hoạch thủy lợi và phòng, chống thiên tai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đối với hệ thống thủy lợi trên lưu vực sông Tích, sông Bùi, tăng cường khả năng phòng lũ chủ động của các hồ thủy lợi lớn, như: Đồng Mô, Suối Hai, Miễu, Văn Sơn, Đồng Sương; điều tiết lũ qua cửa van, nhằm nâng cao năng lực điều tiết nước ứng phó với mưa lũ cực đoan... Đối với sông Nhuệ, quyết liệt giải phóng mặt bằng để hoàn thành công trình kênh dẫn Trạm bơm Yên Nghĩa trước mùa mưa 2025; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng cụm đầu mối Liên Mạc, Trạm bơm Đông Mỹ; triển khai dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ từ Liên Mạc đến đường Vành đai 4 và đầu tư đồng bộ các công trình tiêu nước trong hệ thống thủy lợi sông Nhuệ theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp rà soát, đề xuất bổ sung xây dựng mới một số công trình trong Quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Hồng - Thái Bình, Quy hoạch Thủ đô, như: Trạm bơm Lương Cổ (tỉnh Hà Nam), Trạm bơm Cẩm Đình (huyện Phúc Thọ), Trạm bơm Lương Phú (huyện Ba Vì), Trạm bơm Đồng Dòng và Trạm bơm Chương Dương (huyện Thường Tín)...
Thực tiễn cho thấy, hệ thống thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai. Vì vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi là cần thiết, nhất là khi thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường.