Hà Nội nâng cao năng lực chống lũ cho hệ thống đê điều
Mưa lũ từ cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua đã khiến mực nước sông dâng cao, nhiều tuyến đê của Hà Nội bị ngâm nước nhiều ngày nên xuất hiện sự cố, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Trước tình hình này, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng vào cuộc triển khai giải pháp khắc phục trước mắt; song về lâu dài rất cần được quan tâm đầu tư, củng cố, nâng cao năng lực chống lũ cho các tuyến đê.

sat-mai-de-ta-song-bui.jpg
Lực lượng chức năng xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) khắc phục sự cố sạt mái đê tả sông Bùi.

Kịp thời xử lý nhiều sự cố

Chủ tịch UBND xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ) Vũ Văn Mạnh cho biết, trong cơn bão số 3 vừa qua, nghiêm túc thực hiện lệnh báo động lũ trên sông Bùi, xã đã tăng lực lượng, tần suất kiểm tra, kịp thời phát hiện sự cố sạt 30m mái đê tả Bùi. Để bảo đảm an toàn tuyệt đối đoạn đê, xã đã bố trí lực lượng theo dõi 24/24 giờ diễn biến sạt lở; cấm xe cơ giới đi trên đê; đồng thời huy động hơn 100 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở, 4 phương tiện, sử dụng hơn 230m3 đất, đá, 120 cọc tre, 200 tấm phên nứa...

Tương tự, xã Mỹ Lương (huyện Chương Mỹ) huy động gần 200 người là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai và người dân địa phương, 70 cán bộ, chiến sĩ quân đội; sử dụng 20.000 vỏ bao tải, 600m3 cát, 4 ô tô chở vật liệu, 1 máy xúc, 1 xuồng... chống tràn hơn 2km đê, xử lý 120m đê xuất hiện mạch đùn, mạch sủi, 100m mái đê Gò Khoăm bị sụt do mưa lũ của bão số 3 gây ra.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Tống Văn Thái, mực nước sông Bùi dâng cao vượt báo động lũ cấp III tới 80cm đã làm 25,18km đê trên địa bàn huyện bị tràn. Các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc lệnh báo động lũ, huy động 6.223 người (trong đó, lực lượng tại chỗ là 5.563 người, lực lượng quân sự huyện là 10 người, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội là 650 người); sử dụng 87.400 vỏ bao tải, 5.150m2 bạt, 9.455m3 đất, đá, cát, 184 phương tiện đắp chống tràn, xử lý sự cố đê điều...

Trong khi đó, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức Trương Anh Tuấn thông tin, hoàn lưu bão số 3 đã làm 23,5km đê của huyện bị tràn. Các xã, thị trấn đã huy động 12.900 lượt người, 80 ô tô các loại, 19 máy xúc, sử dụng hơn 2.600m3 cát, 620m3 đất và hơn 71.500 bao tải... để chống tràn, không cho sự cố phát triển tới mức vỡ đê.

Trên địa bàn huyện Phúc Thọ cũng xuất hiện 8 sự cố trên các tuyến đê: Hữu Hồng, Ngọc Tảo, Vân Cốc, hữu Đáy; nghiêm trọng nhất là sự cố nứt dọc 55m mặt đê hữu Đáy, đoạn xã Phụng Thượng với chiều rộng 1-4cm, sâu 1-3cm. Tại thị xã Sơn Tây xuất hiện 4 sự cố trên đê hữu Hồng; trong đó có sự cố sạt trượt mái đê thuộc địa phận xã Đường Lâm với cung sạt dài 16,7m, rộng 7m, vết nứt mở rộng khoảng 0,35 đến 0,4m...

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 2 (quản lý hệ thống đê điều thuộc địa phận Sơn Tây và Phúc Thọ) Nguyễn Tùng Lâm khẳng định, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra theo các cấp báo động lũ đã kịp thời phát hiện, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, vật tư xử lý ngay từ giờ đầu nên các sự cố đê điều thuộc đơn vị quản lý không phát triển thêm...

Tổng hợp từ các đơn vị, địa phương, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, hoàn lưu bão số 3 đã gây ra 40 sự cố đê điều, bãi sông; trong đó có 24 sự cố trên đê, 4 sự cố về kè, 3 sự cố mạch sủi, thẩm lậu đê, 1 sự cố cống qua đê...

Bảo đảm an toàn các tuyến đê

Để bảo đảm an toàn các tuyến đê làm nhiệm vụ phòng, chống lũ trong thời gian còn lại của mùa mưa lũ 2024 và những năm tiếp theo, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, kiểm tra, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các địa bàn trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ”; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị, nhất là tại các địa bàn trọng điểm xung yếu để kịp thời triển khai phương án hộ đê, xử lý sự cố ngay từ giờ đầu. Đồng thời, tăng cường kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo cấp báo động, bảo đảm đúng quy định của Luật Đê điều, kịp thời phát hiện, xử lý ngay các sự cố có thể xảy ra, không để bị động, bất ngờ.

Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, Sở đã kiểm tra, đề xuất các cấp, ngành bố trí kinh phí khắc phục triệt để 40 sự cố do hoàn lưu bão số 3 gây ra; trong đó, ưu tiên nguồn lực xây dựng công trình khẩn cấp khắc phục 18 sự cố nghiêm trọng ở gần khu dân cư, có xu hướng phát triển... Ngoài giải pháp công trình, Sở tăng cường phối hợp các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kỹ năng bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi...

Thực tế từ đầu năm 2024 đến nay, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố, Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) đã tổ chức 30 hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật đê điều, thủy lợi, phòng, chống thiên tai tại 20 huyện, thị xã trọng điểm về phòng, chống lũ lụt, úng ngập... Tham gia mỗi hội nghị có 200-300 cán bộ các cấp chính quyền cơ sở, người dân địa phương.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, lãnh đạo và người dân các xã: Sơn Đà (huyện Ba Vì), Vạn Thái (huyện Ứng Hòa)... khẳng định, nhờ có các buổi tập huấn này, cán bộ, nhân dân địa phương có nhiều kiến thức, kỹ năng phòng tránh các loại hình thiên tai, có trách nhiệm bảo vệ hệ thống đê điều, công trình thủy lợi; đồng thời mong muốn các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hơn các buổi tập huấn, diễn tập...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4740
Tổng lượng truy cập: 24888394