Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn kiểm tra công tác phòng chống lũ tại xã Nam Phương Tiến
Trực tiếp tới vùng úng ngập nhất, nghe thông tin từ người dân và lãnh đạo các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ báo cáo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt của huyện Chương Mỹ trong công tác phòng chống thiên tai những ngày vừa qua.
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản, ổn định đời sống người dân vùng úng ngập, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố yêu cầu huyện Chương Mỹ tiếp tục bố trí lực lượng canh gác, phân luồng giao thông, không để người dân đi qua những nơi ngập sâu, nước chảy xiết, không để xảy ra vụ việc đáng tiếc về người; cung cấp đủ nước sinh hoạt, vật tư y tế và các nhu yếu phẩm khác cho người dân; bảo đảm an ninh trật tự nơi người dân đến sơ tán và bảo vệ tài sản cho người dân ở nơi ngập lụt. Kiên quyết không để người dân trở về nhà khi còn úng ngập sâu. Ngành điện đặc biệt lưu ý việc cung cấp điện an toàn cho người dân. Khi nước rút tới đâu, huyện cần tổ chức vệ sinh môi trường kịp thời không để xảy ra dịch bệnh…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội cũng chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, huyện Chương Mỹ khẩn trương đánh giá, nghiên cứu, đề xuất Thành phố giải pháp tổng thể các khu vực thường xuyên chịu tác động của lũ rừng ngang, úng ngập bảo đảm tính khả thi, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn tới thăm, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, hộ dân bị ngập lụt nhà cửa tại các xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến…
Theo Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức, những ngày vừa qua, trên địa bàn huyện đã xảy ra mưa to đến rất to, kết hợp lũ rừng ngang đổ về, mực nước sông Bùi dâng nhanh. Ứng phó các tình huống thiên tai, huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương; tổ chức nhiều đoàn xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai…
Tuy nhiên, do lượng mưa quá lớn và lũ lên nhanh đã làm 5.924m đê bao đi qua 13 xã bị tràn; 20m đê bao bị sạt lở; 59,1km đường giao thông nông thôn tại 37 thôn, xóm bị ngập, ảnh hưởng chỗ ở của 1.117 hộ dân…
Chủ động phòng ngừa, kịp thời ứng phó, huyện Chương Mỹ đã huy động 4.441 người, 176 phương tiện (trong đó có 450 cán bộ, chiến sĩ, 17 phương tiện của các đơn vị quân đội), sử dụng 5.910m3 đất, cát và 32.325 bao tải để chống tràn các đoạn đê; hỗ trợ người dân vùng úng ngập di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn… Trong những ngày ngập lụt, huyện đã cấp phát 600 thùng nước uống, bố trí 10 điểm xe téc cung cấp nước sạch sinh hoạt và 1 trạm y tế lưu động kịp thời phục vụ nhu cầu cho Nhân dân vùng úng ngập…
Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn động viên, tặng quà các gia đình chính sách, hộ dân bị úng ngập tại xã Nam Phương Tiến
Về thiệt hại, tính đến ngày 26/7, mưa lũ lớn tại huyện Chương Mỹ đã làm đổ, sạt lở 1.074m tường bao và 356m kênh mương; úng ngập 1.854ha lúa, 368ha rau màu, 253ha cây ăn quả, 1.712ha nuôi trồng thủy sản, 52.091m2 chuồng trại chăn nuôi; ảnh hưởng 1.867 gia súc, 210.132 gia cầm… Hiện nay, Xí nghiệp Đầu tư phát triển thủy lợi Chương Mỹ tiếp tục vận hành 20 trạm bơm với 82 tổ máy để tiêu úng, bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, giảm ngập lụt khu dân cư…
Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Anh Đức thông tin, bước đầu, huyện đã tổ chức cấp phát 600 thùng nước uống, cung cấp nước sạch bằng xe bồn tập trung tại 10 điểm và bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến, nhằm ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp.
Huyện Chương Mỹ bố trí 10 điểm xe stec cấp nước sạch sinh hoạt cho Nhân dân vùng úng ngập
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cũng cho rằng, với tình hình hiện tại, huyện Chương Mỹ vẫn đủ sức để ứng phó với lũ lụt do cơn bão số 2 gây ra, nhưng muốn giảm thiểu thiệt hại do thiên tai lũ lụt sẽ xảy ra trong tương lại, huyện rất cần sự trợ giúp từ UBND thành phố Hà Nội và các bộ, ngành để có các giải pháp đồng bộ...