Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiểm tra hoạt động tiêu úng tại trạm bơm Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết
Sau khi đi kiểm tra tại một số điểm sạt lở mái đê và trạm bơm tiêu Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, đồng chí Nguyễn Xuân Đại yêu cầu Xí nghiệp Thủy lợi Quốc Oai và các hợp tác xã nông nghiệp huy động 100% nhân lực vận hành các trạm bơm tiêu, máy bơm dã chiến để tiêu úng, cứu lúa và rau màu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đề nghị UBND huyện Quốc Oai chỉ đạo các xã khắc phục tạm thời các sự cố đê điều, bảo đảm an toàn, ổn định cho tuyến đê hữu Đáy. Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực xảy ra sự cố, bảo vệ hiện trường, hạn chế phương tiện qua lại khu vực sụt lún, ngăn chặn, xử lý xe quá tải trọng chạy trên đê. Đồng thời, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện huy động lực lượng tuần tra canh gác đê, theo dõi mọi diễn biến của sự cố để báo cáo các cấp có thẩm quyền xử lý, không để vỡ đê, hạn chế gây thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội kiểm tra úng ngập tại xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai
Theo UBND huyện Quốc Oai, tính đến 17h ngày 24/7, mưa lũ đã làm 1.353ha lúa mùa, 22ha cây rau màu, 201ha cây ăn quả của huyện bị úng ngập. Ngoài ra, mưa lớn kéo dài đã gây ra 1 điểm sạt lở đê bao Phú Bình, xã Phú Cát và 4 sự cố sạt trượt mái đê hữu Đáy tại các xã: Sài Sơn, Đồng Quang và Tân Hòa. Cung sạt có chiều dài 25-30m...
* Chiều 24/7, UBND huyện Quốc Oai thông tin, lũ trên sông Tích dâng nhanh lên mức 8,01m, vượt mức báo động III là 0,01m. Căn cứ vào tình hình trên, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai ban hành lệnh báo động lũ cấp III trên sông Tích.
Cụ thể, vào hồi 10h10, ngày 24/7 tại địa phận các xã ven sông Tích, huyện Quốc Oai, mức nước sông Tích dâng lên ở mức 8,01m (mức báo động III là 8,0m).
Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai yêu cầu Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các xã, trưởng các điếm canh đê, các ngành và cán bộ được giao nhiệm vụ thi hành nghiêm những quy định khi có lệnh báo động cấp III trên sông Tích.
Các xã ven sông Tích tổ chức huy động lực lượng tuần tra canh gác bảo vệ đê theo cấp báo động để chủ động sẵn sàng đối phó với mọi tình huống xảy ra. UBND các xã thông báo lệnh báo động cấp III trên đài truyền thanh của xã, hệ thống loa phát thanh ở thôn, xóm để nhân dân được biết.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, hàng trăm héc ta lúa, rau màu, cây trồng, diện tích nuôi trồng thủy sản của Quốc Oai bị ngập úng; nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện, cầu Tân Phú và cầu Đại Thành bắc qua sông Đáy đã bị ngập sâu, nguy hiểm cho người dân khi đi lại. Chính quyền các địa phương đã cắm biển cảnh báo, cử cán bộ thường xuyên theo dõi diễn biến ngập úng tại cầu để có phương án xử lý kịp thời.
Nước sông Đáy lên nhanh gây ngập một số cây cầu nối huyện Quốc Oai với huyện Hoài Đức
* Sáng 24/7, UBND huyện Quốc Oai đã tổ chức hội nghị kiểm điểm công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện. Ngay sau Hội nghị, Chủ tịch UBND, Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn cùng lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện đã trực tiếp đi kiểm tra thực tế tại các điểm xung yếu thuộc khu vực ven đê.
Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai đề nghị các lực lượng phân công lực lượng, túc trực 24/24h, sẵn sàng ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. Đồng thời tổ chức lập chốt phân luồng giao thông đối với các điểm ngập tràn, các đoạn đê xung yếu, tăng cường bơm tiêu úng và hỗ trợ ứng cứu đối với khu vực chăn nuôi của các hộ dân…
Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Trường Sơn, cùng lãnh đạo các phòng ban chuyên môn của huyện đã đến thăm hỏi, động viên gia đình bà Nguyễn Thị Thìn, tại thôn Đồng Vỡ, xã Phú Mãn do ảnh hưởng của mưa lũ đã gây sạt lở đất làm sập căn nhà kiên cố mới xây…