Bảo đảm an toàn hệ thống thủy lợi của Hà Nội:Tăng đầu tư để phát huy năng lực công trình
Mặc dù đã được các cấp, ngành quan tâm, song trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn nhiều công trình thủy lợi: Trạm bơm, cống, kênh, đập hồ thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp…, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu suất tiêu úng cho sản xuất nông nghiệp.

Thực tế này đòi hỏi các đơn vị, địa phương tăng cường hơn nữa nguồn lực đầu tư để phát huy năng lực công trình, nhất là khi mùa mưa, bão năm 2024 đã cận kề.

 

Thi công hệ thống thủy lợi Đức Môn (xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Đức).

405 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp

Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức là những huyện trọng điểm sản xuất nông nghiệp của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, khi đi thực tế tại các trạm bơm tiêu úng cho các vùng sản xuất của 3 huyện trên, như: Triều Đông, Phương Trung, Thượng Phúc, Chi Lăng 2, Đốc Tín, Phù Lưu Tế 1, An Phú trong ngày 9-5, phóng viên Báo Hànộimới thực sự lo ngại trước sự xuống cấp của những công trình này.

Tại huyện Thanh Oai, Trạm trưởng quản lý Trạm bơm tiêu Triều Đông Nguyễn Hữu Vĩnh cho biết, trạm bơm tiêu được xây dựng năm 2006 với 8 tổ máy, công suất 1.000m3/giờ/máy, có nhiệm vụ tiêu úng cho 700ha diện tích sản xuất nông nghiệp và dân sinh các xã: Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu (huyện Thanh Oai) và xã Tân Minh (huyện Thường Tín). Sau 18 năm khai thác, nhiều hạng mục công trình đã bị xuống cấp nghiêm trọng: Bể xả nằm trên bề mặt cống tiêu tự chảy bị lún, nứt, nghiêng; ống hút bị mọt thủng...

Đáng nói hơn, trạm không có nhà quản lý; nền đặt máy bơm nằm trên cơ đê hữu Nhuệ có nguy cơ cao xảy ra sự cố khi mực nước sông dâng cao… “Nếu vận hành 8 tổ máy, mực nước sông Nhuệ lên cao trong nhiều ngày có thể dẫn đến trôi cống, vỡ đê”, ông Nguyễn Hữu Vĩnh lo ngại.

Ngoài trạm bơm xuống cấp, nhiều trục kênh tiêu nằm trên địa bàn các quận, huyện Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thường Tín, Phú Xuyên, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Chương Mỹ, như: Sông Nhuệ, Vân Từ, Ngọ Hạ, Máng 7, Cầu Nẩy, Yên Cốc, Phụ Chính, Hạ Dục - Thượng Vực, Phù Lưu Tế, Bạch Tuyết... đều trong tình trạng sụt sạt, lòng dẫn bị bồi lắng, mặt cắt không bảo đảm so với thiết kế ban đầu.

Chưa kể, nhiều hạng mục thuộc các hồ thủy lợi: Suối Hai (huyện Ba Vì), Văn Sơn (huyện Chương Mỹ), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức)... cũng bị xuống cấp, tồn tại nhiều ẩn họa.

“Cống điều tiết hồ Suối Hai đang bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ cao xảy ra sự cố khi mực nước hồ đạt cao trình thiết kế. Nếu xảy ra sự cố cống hồ Suối Hai, hàng nghìn hộ dân của huyện Ba Vì sinh sống trong vùng hạ du của hồ có thể bị ảnh hưởng...”, Đội phó Đội Thủy nông số 2 (Xí nghiệp Thủy lợi Ba Vì) Nguyễn Huy Hùng bày tỏ lo lắng.

Thống kê của các tổ chức thủy lợi cho thấy, trên địa bàn thành phố hiện có 405 công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, cần đầu tư kinh phí sửa chữa lớn; trong đó có 174 trạm bơm, 65 cống, 16 hồ thủy lợi...

Bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng, sửa chữa

 

Đại diện Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy kiểm tra, đánh giá hiện trạng Trạm bơm tiêu Triều Đông (huyện Thường Tín).

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đào Quang Khải cho biết, những năm qua, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, dành nguồn lực lớn để sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi; trong đó có các trạm bơm tiêu quy mô lớn, như: Yên Nghĩa (quận Hà Đông), Bộ Đầu (huyện Thường Tín), Văn Khê (huyện Mê Linh)... Tuy nhiên, do phần lớn được xây dựng từ những năm 1960-1970, nên hiện nay trên địa bàn vẫn còn nhiều công trình bị xuống cấp, giảm hiệu suất...

Để bảo đảm an toàn công trình phòng, chống thiên tai, phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phối hợp với các tổ chức thủy lợi và quận, huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước mùa mưa, bão năm 2024. Trên cơ sở đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đề xuất UBND thành phố tiếp tục quan tâm, bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, xây mới, bảo đảm an toàn, phát huy năng lực của công trình thủy lợi phục vụ sản xuất, dân sinh, phòng chống thiên tai trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trước mắt, Sở NN&PTNT Hà Nội đề nghị các tổ chức thủy lợi thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc tu bổ, sửa chữa hư hỏng tại các trạm bơm, cống tiêu, hồ, đập, thiết bị điện; nạo vét bể hút trạm bơm, kênh, mương, đặc biệt là hệ thống công trình phục vụ chống úng. Bên cạnh đó, các công ty thủy lợi thành phố xây dựng phương án phòng, chống úng ngập, bảo đảm an toàn đập, hồ thủy lợi trong mùa mưa, bão năm 2024...

Các quận, huyện, thị xã cần bố trí nguồn lực, chỉ đạo đơn vị chức năng sửa chữa, chống xuống cấp các công trình thủy lợi được giao quản lý theo phân cấp; nạo vét hệ thống kênh, mương, bảo đảm 100% công trình vận hành an toàn, hiệu quả;... Đặc biệt, các quận, huyện, thị xã phối hợp chặt chẽ với tổ chức thủy lợi kiên quyết ngăn chặn, xử lý những vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; tổ chức giải tỏa ngay những vi phạm làm cản trở dòng chảy trên hệ thống kênh, mương, nhất là trục chính sông Nhuệ và các tuyến kênh tiêu lớn...

Thực tế cho thấy, biến đổi khí hậu khiến thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, khó lường. Vì vậy, việc tăng nguồn lực hơn nữa để đầu tư cải tạo, nâng cấp công trình thủy lợi không chỉ giúp bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp, mà còn giúp giảm úng ngập khu dân cư, ổn định đời sống nhân dân trong mùa mưa, bão.

Nguồn Báo Hà Nội Mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7630
Tổng lượng truy cập: 25344896