Bảo đảm an toàn cống dưới đê trong mùa mưa bão
Các cống dưới đê là một trong những công trình phòng, chống thiên tai trong mùa lũ. Thế nhưng, hầu hết các cống dưới đê của Hà Nội được xây dựng từ lâu hoặc mới xây dựng nên chưa trải qua thử thách các trận lũ lớn..., do đó, tiềm ẩn những nguy cơ xảy ra sự cố. Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) Nguyễn Duy Du, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố cho biết: ngành Nông nghiệp Hà Nội đã có nhiều phương án để bảo đảm an toàn cho cống dưới đê trong mùa mưa bão.


 

Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra, khám cống Yên Sở trước mùa mưa lũ

 

- Ông có thể khái quát thực trạng các cống dưới đê trên địa bàn Thành phố trong mùa mưa bão năm 2023?

 

- Chúng tôi đã tiến hành kiểm tra, đánh giá chất lượng công trình đê điều trước lũ năm 2023 cho thấy, trên các tuyến đê thuộc địa bàn Thành phố có tổng số có 206 cống qua đê, trong đó, có 142 cống ổn định, 31 cống cần sửa chữa, 6 cống cần xây mới, 21 cống đã hoành triệt, 2 cống đề nghị hoành triệt, 4 cống trên các tuyến đê tả Hồng, hữu Hồng, hữu Đáy thuộc địa bàn các huyện: Đông Anh, Thường Tín, Quốc Oai đã cơ bản triển khai thi công xong gồm: Phương Trạch 1, Vĩnh Thanh, Bộ Đầu, Yên Sơn. Tuy nhiên, nhiều cống dưới đê đã xây dựng từ lâu, luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố công trình trong quá trình hoạt động, cũng như khi xuất hiện lũ lớn trên sông, cần phải quan tâm đầu tư xây dựng mới như: Cống Long Tửu (xây dựng năm 1961), cống Liên Mạc (xây dựng năm 1938), cống trạm bơm Hồng Vân (xây dựng năm 1964)... 

 

Qua đánh giá bằng trực quan, chúng tôi nhận thấy, hiện nay, trên các tuyến đê có tổng số 37 cống cần sửa chữa, xây mới (31 cống cần sửa chữa, 6 cống cần xây mới) để đáp ứng yêu cầu chống lũ, phòng chống thiên tai, bảo đảm cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa bão gây ra.

 

- Mối quan tâm hàng đầu khi bước vào mùa mưa bão là việc duy tu, bảo dưỡng công trình đê điều và gấp rút thi công các công trình chống lũ, trong đó có các cống dưới đê, việc này Thành phố đã thực hiện như thế nào, thưa ông?

 

- Để đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, cũng như công tác phòng, chống thiên tai hằng năm và trong năm 2023, trên các tuyến đê thuộc địa bàn Thành phố đã được đầu tư xây dựng mới 4 cống qua đê, đến nay, các cống cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, các cống này chưa được thử thách với lũ lớn, nên vẫn xác định 3 cống: Cống Phương Trạch 1, cống trạm bơm Vĩnh Thanh (huyện Đông Anh), cống trạm bơm Bộ Đầu (huyện Thường Tín) là trọng điểm xung yếu trong công tác phòng, chống thiên tai, cần xây dựng phương án bảo vệ trong mùa mưa bão năm 2023.

 


Đoàn công tác của thành phố Hà Nội kiểm tra hiện trạng sự cố sụt lún cống qua đê hữu Đáy, đoạn xã Xuy Xá (huyện Mỹ Đức)

 

Trong thời gian tới, trên các tuyến đê của Thành phố sẽ tiếp tục triển khai dự án thành phần số 9: Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê thành phố Hà Nội thuộc dự án xử lý cấp bách các cống dưới đê cấp III trở lên. Theo đó, Thành phố sẽ đầu tư xây dựng 11 cống dưới đê thuộc địa bàn các huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Quốc Oai. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng cống tiêu Cẩm Hà tại K24+950 đê hữu Cầu vào dự án thành phần số 9: Xử lý cấp bách các cống xung yếu dưới đê thành phố Hà Nội.

 

- Thưa ông, đối với các cống xung yếu thì việc lập phương án bảo vệ như thế nào trong mùa mưa bão?

 

- Hằng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đều giao Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai chỉ đạo các Hạt Quản lý đê chủ trì, phối hợp với phòng chuyên môn của các quận, huyện, thị xã, các công ty thủy lợi trên địa bàn tiến hành đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ. Năm nay, trên cơ sở báo cáo của các Hạt Quản lý đê và tổng hợp, đề xuất của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cơ quan Thường trực Phòng, chống thiên tai của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Thành phố) đã có tờ trình và UBND Thành phố đã phê duyệt phương án hộ đê và bảo vệ trọng điểm xung yếu phòng, chống thiên tai năm 2023. Tại quyết định này đã xác định trên địa bàn thành phố có 8 vị trí cống là trọng điểm xung yếu (3 trọng điểm xung yếu cấp thành phố, 5 trọng điểm xung yếu cấp huyện). UBND Thành phố cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng và phê duyệt phương án bảo vệ công trình, bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa bão đối với 5 trọng điểm xung yếu cấp huyện.

 

Ngoài ra, hằng năm, trước và sau mùa mưa lũ, các công ty thủy lợi, các đơn vị trực tiếp quản lý các cống dưới đê đều tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng của các cống dưới đê, từ đó xây dựng phương án đầu tư, sửa chữa, khắc phục sự cố các cống dưới đê, cũng như lập phương án bảo vệ công trình, đoạn đê trong mùa mưa bão.

 


Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại cống Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm)

 

- Để tăng cường khả năng chống lũ, an toàn công trình đê điều trong mùa mưa lũ, đồng thời đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, ông có khuyến nghị gì với các cơ quan quản lý?

 

- Cống dưới đê là công trình quan trọng và là vị trí xung yếu của đê trong mùa lũ. Để chủ động trong công tác hộ đê, phòng chống lụt bão, bảo đảm an toàn cho các cống dưới đê trong mùa mưa lũ năm nay, các công ty thủy lợi, xí nghiệp thủy lợi, các đơn vị được giao trực tiếp quản lý các cống dưới đê (đặc biệt với các cống đã xây dựng từ lâu, các cống xuất hiện sự cố) cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi diễn biến các cống dưới đê, đánh giá chất lượng, khả năng chống lũ của các cống, đề xuất phương án sửa chữa, cải tạo, nâng cấp kịp thời; xây dựng phương án bảo vệ công trình, bảo vệ tuyến đê trong mùa mưa bão.

 

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan, nhất là UBND các xã, phường, thị trấn có đê thường xuyên kiểm tra, xây dựng phương án sửa chữa, cải tạo khắc phục các hư hỏng của các cống dưới đê; thường xuyên rà soát, cập nhật phương án bảo vệ các trọng điểm xung yếu cấp huyện (đặc biệt là các vị trí cống dưới đê) để phù hợp với tình hình hiện trạng, sát với thực tế; đồng thời chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả) để sẵn sàng hộ đê, kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra. Đồng thời, bố trí đủ nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các cống dưới đê thuộc địa bàn quản lý theo phân cấp.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

Cổng Giao tiếp điện tử Thành phố

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 14361
Tổng lượng truy cập: 22132949