Huyện Gia Lâm: Quản lý chặt chẽ điếm canh đê trong mùa mưa bão
Việc quản lý hiệu quả các điếm canh đê là nhiệm vụ rất quan trọng nhằm chủ động ứng phó nguy cơ lũ lụt trong mùa mưa bão. Với địa bàn có hai con sông lớn chảy qua như huyện Gia Lâm, vấn đề này lại càng có ý nghĩa lớn hơn.

Vẫn còn tâm lý chủ quan

Huyện Gia Lâm có 3 tuyến đê: Tả Hồng, Tả Đuống và Hữu Đuống, với tổng chiều dài gần 28,5km. Cả 3 tuyến đê nêu trên đều được xếp vào nhóm đê cấp I (chỉ xếp sau đê cấp đặc biệt về mức độ quan trọng trong phòng chống thiên tai). Trên các tuyến đê hiện có 8 kè hộ bờ, 6 cống qua đê, ngoài ra còn có 26 điếm canh đê do 16 xã, thị trấn quản lý hoạt động.

Theo đánh giá của Chi cục Thuỷ lợi và Phòng chống thiên tai Hà Nội, 19/26 điếm canh đê tại huyện Gia Lâm có hiện trạng còn tốt, 5 điếm cần tu sửa và 2 điếm cần được xây dựng mới do đã quá xuống cấp. Các điếm canh đê đang được Hạt Quản lý đê Gia Lâm và chính quyền các địa phương quản lý khá hiệu quả.

 

Điếm canh đê tại xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Lâm Nguyễn.

Mặc dù vậy, ghi nhận của phóng viên cho thấy, tình trạng một bộ phận người dân tận dụng không gian tại điếm canh đê để buôn bán, kinh doanh vẫn còn. Một số điếm canh đê, vào thời điểm phóng viên khảo sát vắng bóng lực lượng thường trực canh gác…

Được biết, trung tuần tháng 6/2023, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê trên các điếm canh để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai năm 2023. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trọng Nhạ - Hạt phó Hạt Quản lý đê Gia Lâm, thừa nhận vẫn còn tâm lý chủ quan trong việc tổ chức ứng trực tại điếm canh đê.

Tuy nhiên, đại diện Hạt Quản lý đê Gia Lâm cũng biện giải thêm rằng, ngoài tổ chức thường trực, điếm trưởng, điếm phó còn tham gia tuần tra, xử lý các sự cố đê điều. Do đó, sẽ có một số thời điểm vắng mặt tại điếm, vấn đề này sẽ được đơn vị chấn chỉnh trong thời gian tới.

Tổ chức lực lượng phù hợp thực tế

Chủ động phòng, chống thiên tai, hiện nay, UBND 16 xã, thị trấn của huyện Gia Lâm đã bổ sung các loại dụng cụ, vật tư cơ bản tại các điếm canh đê phục vụ xử lý giờ đầu các sự cố thiên tai. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo lực lượng tuần tra, canh tác, xung kích phòng, chống thiên tai thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thường trực.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội vừa có công văn đề nghị các quận, huyện, thị xã chuẩn bị dụng cụ, vật tư và thực hiện tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều phục vụ công tác phòng, chống thiên tai trong mùa mưa lũ năm 2023. Trong đó, tuỳ theo tình hình, đặc điểm các tuyến đê, thời gian xuất hiện lũ trên các tuyến sông thuộc địa bàn, UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức huy động lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê, bố trí lực lượng quản lý đê nhân dân thường trực tại các điếm canh đê trên địa bàn quản lý.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng, thực tế từ năm 2008 đến nay, mực nước trên các sông chảy qua địa bàn huyện khá thấp. Do đó, việc tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê trong thời gian tới tại các điếm canh sẽ có những thay đổi, vừa để phù hợp thực tiễn, vừa tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước.

Ngoài điếm trưởng, điếm phó được giao nhiệm vụ thường trực, 16 xã, thị trấn có đê còn có lực lượng tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ các điếm canh đê với số lượng 16 người/điếm. Lực lượng này đã được tập huấn pháp luật, kỹ năng xử lý giờ đầu để có thể khắc phục hiệu quả sự cố, thiên tai khi xảy ra.

Về phía Hạt Quản lý đê Gia Lâm, ông Lê Trọng Nhạ cho biết, hiện nay đang vào mùa mưa bão 2023, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật, kiểm soát viên đê điều phối hợp với Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn lực lượng tuần tra, canh gác; theo dõi diễn biến các công trình đê điều, bờ bãi sông, cũng như kịp thời phát hiện các vi phạm về đê điều phát sinh để xử lý kịp thời.

Điếm canh đê là một trong những công trình phụ trợ quan trọng phục vụ công tác ứng trực, canh gác đê. Đây cũng là nơi tập kết dụng cụ, vật tư hộ đê của các xã ven đê trong mùa mưa bão. Chính vì vậy, việc quản lý chặt chẽ hoạt động tại các điếm canh là nhiệm vụ trọng tâm, cần được UBND huyện Gia Lâm và hạt Quản lý đê Gia Lâm tiếp tục quan tâm nhiều hơn trong thời gian tới.

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7512
Tổng lượng truy cập: 25344896