Quản lý, khai thác hiệu quả công trình thủy lợi nội đồng
Sau khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 23/2020/QĐ-UBND ngày 24-9-2020 về việc "Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 19-9-2016 của UBND thành phố", nhiều xã viên và hợp tác xã vui mừng vì được trực tiếp quản lý, khai thác công trình phù hợp nhu cầu tưới tiêu của địa phương.

Nông dân xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) làm thủy lợi nội đồng, chuẩn bị gieo cấy vụ xuân 2022.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, kiểm tra thực địa, nhiều địa phương rất lo lắng vì nhiều công trình bị xuống cấp, hư hỏng... Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) Nguyễn Văn Quý cho biết, trên địa bàn xã có hơn 45km kênh mương nội đồng bị xuống cấp; trong đó có 12,7km kênh mương bị hư hỏng nghiêm trọng, cần thiết phải đầu tư ngay khoảng 18 tỷ đồng để sửa chữa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, là đơn vị thuần túy kinh doanh dịch vụ bảo vệ sản xuất đồng ruộng, Hợp tác xã không có và cũng không đủ tài sản thế chấp để vay ngân hàng số kinh phí trên để đầu tư. Vì vậy, Hợp tác xã rất cần các cấp, ngành của thành phố hỗ trợ kinh phí đầu tư cứng hóa kênh mương.

Tương tự, nhiều hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn các huyện: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ba Vì, Phúc Thọ... đã đề nghị các cấp, ngành của thành phố đầu tư kinh phí để sửa chữa trạm bơm, kênh mương nội đồng bị hư hỏng, xuống cấp.

Trao đổi về vấn đề trên, Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) Đặng Anh Tuấn cho biết, thực hiện Luật Thủy lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố bàn giao công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng cho các địa phương trực tiếp quản lý. Đây là quyết định cần thiết để các địa phương chủ động hơn trong quản lý, điều hành hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương chưa có các tổ chức thủy lợi cơ sở hoặc có nhưng chưa đủ các điều kiện cần và đủ để quản lý, khai thác theo Luật Thủy lợi. Trước thực trạng đó, Sở đã đề nghị các địa phương khẩn trương thực hiện củng cố, thành lập các tổ chức thủy lợi cơ sở phù hợp quy định...

Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết quy định mức hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn thành phố... Theo đó, đối tượng được áp dụng là tổ chức thủy lợi cơ sở, cá nhân là thành viên của tổ chức thủy lợi cơ sở có liên quan trong đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Về chính sách cụ thể, thành phố sẽ miễn tiền thuê đất, hỗ trợ 100% chi phí thiết kế và chi phí máy thi công cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình tích trữ nước... Bên cạnh đó, thành phố sẽ hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân 50% chi phí vật liệu, máy thi công và thiết bị để đầu tư xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; hỗ trợ 50% chi phí để san phẳng đồng ruộng... Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ đầu tư xây dựng cống và kiên cố kênh mương; hỗ trợ 70% tổng giá trị đầu tư xây dựng cống, kiên cố kênh mương...

Với quyết định đúng đắn và sự hỗ trợ kịp thời này, các địa phương của Hà Nội sẽ chủ động hơn trong lập kế hoạch diện tích canh tác, tưới tiêu; bảo trì, bảo dưỡng kênh mương. Đồng thời, gắn trách nhiệm bảo vệ hệ thống thủy lợi với người dân, huy động sức dân trong giám sát, bảo vệ các công trình thủy lợi, từ đó, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng phục vụ tốt cho phát triển kinh tế nông nghiệp ở địa phương.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1252
Tổng lượng truy cập: 25357476