Ráo riết bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi mùa mưa lũ
Tình trạng các hồ, đập thủy lợi, nhất là hồ vừa và nhỏ xuống cấp khiến người dân không khỏi lo lắng. Trong khi đó, mùa mưa lũ năm nay được nhận định sẽ diễn biến phức tạp. Hiện nay, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đang ráo riết hoàn thiện phương án, kịch bản ứng phó, bảo đảm an toàn hồ, đập để chủ động ứng phó mùa mưa lũ năm 2021.
Nhiều công trình xuống cấp

 

Bước vào mùa mưa bão năm 2021, người dân huyện Ba Vì lo ngại về sự xuống cấp của các hồ chứa nước trên địa bàn, trong đó, có hồ chứa nước Mèo Gù. Hiện nay, cao trình đỉnh đập của hồ chứa này không bảo đảm cao độ theo tiêu chuẩn hiện hành. Khi mực nước hồ dâng cao, có hiện tượng thấm nước ra mái phía ngoài hạ lưu đập. Còn hồ chứa nước Cẩm Quỳ cũng ở huyện Ba Vì có dung tích thiết kế 1,13 triệu mét khối. Đập chính là đập đất với chiều dài 220m, rộng 6m kết hợp làm đường giao thông nông thôn. Mái thượng lưu, hạ lưu đập chưa được gia cố…

 

Tại huyện Thạch Thất, người dân cũng không khỏi lo lắng trong việc bảo đảm an toàn cho các hồ chứa trên địa bàn trong mùa mưa bão. Đáng ngại nhất là hồ chứa nước Cố Đụng. Hồ này có dung tích thiết kế 1,048 triệu m3 nước. Đập của hồ này là đập đất có chiều dài 440m, chiều cao đập 10,5m, mỗi khi có mưa, lũ lớn, thân đập có hiện tượng rò rỉ nước…

  


Kiểm tra mực nước tại tháp cống hồ Suối Hai (huyện Ba Vì)

 

Kết quả rà soát, đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội trước mùa mưa bão năm 2021, toàn thành phố có 117 đập, hồ chứa nước thủy lợi, trong đó, có 6 hồ chứa nước có dung tích trên 5 triệu m3 nước, gồm: Đồng Mô (thị xã Sơn Tây, dung tích 61,9 triệu m3), Suối Hai (huyện Ba Vì, dung tích 46,8 triệu m3), Quan Sơn (huyện Mỹ Đức, dung tích 11,9 triệu m3), Đồng Sương (huyện Chương Mỹ, dung tích 10,5 triệu m3), Văn Sơn (huyện Chương Mỹ, dung tích 7 triệu m3) và hồ Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, dung tích 6,2 triệu m3). Đa phần các hồ chức thủy lợi đều đưa vào sử dụng trên 30-40 năm. Nhìn chung, công tác bảo trì, duy tu, bảo dưỡng đập, tràn, cống lấy nước được các chủ hồ thực hiện đầy đủ theo quy định. Ngoài ra, được sự quan tâm của thành phố, nhiều công trình hồ, đập được sửa chữa, nâng cấp, như: Đồng Đò, Đồng Quan, Kèo Cà (huyện Sóc Sơn), Lập Thành (huyện Quốc Oai), Đầm, Vống (huyện Ba Vì)...

 

Tuy được đầu tư sửa chữa nâng cấp, nhưng vẫn còn nhiều hạng mục công trình đập dâng, cống lấy nước bị xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, ảnh hưởng đến phục vụ sản xuất, an toàn công trình khi tham gia chống lũ. Đơn cử như các hồ: Thó Bịn, Canh Nhỉm có hiện tượng bị thấm, lòng hồ bồi lắng… Hồ Thanh Sơn, Anh Bé, mái đập phía thượng lưu xuống cấp, đập Đồng Dấu, Vai Xi cũng bị xuống cấp… Chứng kiến các hồ, đập trên bị hư hỏng, xuống cấp, người dân rất mong thành phố bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp, bảo đảm an toàn khi mùa mưa bước vào các tháng cao điểm.

 

Xây dựng phương án, kịch bản ứng phó

 

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2021, có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó, có 5-7 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Nhiều khả năng, bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung bộ trong các tháng 8-10. Cùng với đó là tình trạng ngập úng tiếp tục diễn ra do ảnh hưởng mưa lớn cục bộ... 

 

Để bảo đảm an toàn cho công trình hồ, đập trong mùa mưa bão và trong trường hợp công trình có nguy cơ sự cố, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó. Kịch bản 1, mực nước trong hồ ở mực nước dâng bình thường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn. Kịch bản 2, mực nước trong hồ ở mực nước gia cường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn. Kịch bản 3, mực nước hồ cao bằng đỉnh đập.

 

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, kèm theo các kịch bản trên, Sở đã có các giải pháp chung đó là, yêu cầu các doanh nghiệp thủy lợi thành phố, tổ chức được giao quản lý hồ, đập có trách nhiệm lập phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước; lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án ứng phó thiên tai và tình hình khẩn cấp. Còn về giải pháp cụ thể, trong trường hợp mực nước trong hồ ở mực nước dâng bình thường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn sẽ tổ chức ứng trực kiểm tra 24/24 giờ, báo cáo theo quy định; mở cửa van tràn xả lũ đối với các hồ chứa tràn xả lũ có cửa van; phát hiện kịp thời và xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ” đối với một số tình huống cụ thể… Khi mực nước trong hồ ở mực nước gia cường và trên thượng nguồn có mưa, lũ lớn, ngoài thực hiện các phương án như kịch bản 1, khi mực nước hồ dâng cao có nguy cơ vỡ đập, các cơ quan, đơn vị liên quan phải thông báo ngay với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để tổ chức di dời người dân đên vị trí an toàn; huy động lực lượng xung kích và các đơn vị bộ đội tổ chức ứng cứu xử lý các sự cố bảo đảm an toàn công trình…

 

Còn khi mực nước hồ cao bằng đỉnh đập, phải thông báo ngay với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để tổ chức di dời dân đến vị trí an toàn; huy động lực lượng xung kích và các đơn vị bộ đội tổ chức ứng cứu bảo đảm an toàn đập. Cùng với đó, tổ chức ứng trực kiểm tra 24/24 giờ, báo cáo theo quy định; đồng thời phát hiện kịp thời và xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ"; thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm hạ thấp mực nước hồ như: Mở tràn sự cố (nếu có), xả nước qua tràn và qua cống lấy nước; lập phương án chủ động cho tràn qua một phần đập để bảo đảm an toàn cho đập, cho khu vực dân cư chịu ảnh hưởng phía hạ du đập…

 

“Để bảo đảm an toàn hồ, đập, chúng tôi cũng đã đề nghị UBND thành phố chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên cung cấp đủ điện cho các trạm bơm tiêu hoạt động ổn định, hết công suất; các quận, huyện, thị xã triển khai giải tỏa các vi phạm phạm vi bảo vệ công trình hồ, đập; tuyệt đối không tích nước hoặc tích nước hạn chế đối với các hồ chứa đã hư hỏng xuống cấp trong mùa mưa lũ”, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 13465
Tổng lượng truy cập: 22132949