Lên phương án phòng, chống úng ngập cho khu vực ngoại thành
Tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố Hà Nội vào mùa mưa luôn được các cấp chính quyền và người dân quan tâm. Theo nhận định, mùa mưa năm 2021 sẽ diễn biến phức tạp, mưa lớn xảy ra có thể gây ngập lụt trên diện rộng. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã lên phương án phòng, chống úng ngập cho khu vực ngoại thành với nhiều giải pháp đồng bộ, căn cơ.

Lực lượng quân đội chống lũ rừng ngang ở huyện Chương Mỹ

 

Nhiều khu vực có thể xảy ra úng ngập

 

Hà Nội có 8 tuyến sông (sông Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ, Cầu, Đáy, Tích và sông Nhuệ) phục vụ tiêu úng cho khu vực ngoại thành vào mùa mưa lũ. Về cơ bản, các tuyến sông cơ bản bảo đảm khả năng chống lũ. Tuy nhiên, qua rà soát hiện trạng công trình thủy lợi và các vùng cho thấy, nếu không lên phương án sẵn sàng và chủ động ứng phó thì tình trạng úng ngập có thể xảy ra trong mùa mưa lũ. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hệ thống thủy lợi của Hà Nội được phân thành 3 vùng, phù hợp với nguyên tắc quản lý nguồn nước theo lưu vực sông và phù hợp với việc phân vùng được quy định trong quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Chính phủ phê duyệt, gồm: Vùng hữu sông Đáy, vùng tả sông Đáy và vùng Bắc Hà Nội.

 

Trong 3 vùng trên, vùng hữu sông Đáy gồm các huyện, thị xã: Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức có núi, đồi thấp và đồng bằng, cao độ biến đổi thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và Tây sang Đông. Khu vực này chủ yếu tiêu thoát nước bằng trọng lực, chỉ một số khu vực ven sông Tích, sông Bùi có các vùng trũng cục bộ nên phải dùng các trạm bơm tiêu. Về tiêu của vùng hữu sông Đáy chủ yếu là năng lực công trình đầu mối chưa bảo đảm, khả năng thoát lũ của sông Tích còn hạn chế. Một số khu vực có địa hình thấp, chưa có trạm bơm tiêu nên thường xuyên bị ngập như khu vực xã Tiền Phong, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì). Mặt khác, hệ thống sông Tích - Bùi, sông Đáy nhiều đoạn nông và hẹp, dòng chảy uốn khúc nên khả năng thoát lũ chậm, mực nước lũ lên nhanh, xuống chậm.

 

Trong khi đó, vùng tả sông Đáy, gồm các quận: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Hoàng Mai và các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Ứng Hòa, Phú Xuyên hướng tiêu thoát nước của vùng ra sông Hồng, sông Đáy và sông Nhuệ. Đáng ngại nhất là khả năng tiêu thoát của trục chính sông Nhuệ bị hạn chế, mỗi khi có mưa lớn, mực nước sông Nhuệ lên rất nhanh làm giảm khả năng tiêu thoát của toàn bộ khu vực. Đây là khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch... Đối với cùng Bắc Hà Nội gồm các quận Long Biên và các huyện Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, địa hình có cả trung du đồi núi và đồng bằng, địa hình phức tạp. Việc tiêu nước của vùng là hệ số tiêu công trình đầu mối thấp, khả năng thoát nước của sông Thiếp - Ngũ Huyện Khê và sông Cầu Bây kém.

 

Ngoài những hạn chế trên, tốc độ thị đô thị hóa nhanh, các công trình nhà ở, đường xá được đầu tư xây dựng, nhiều diện tích trồng cây xanh, ao hồ bị bê tông hóa ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thoát nước mưa trong mùa mưa lũ…

 

Xây dựng kịch bản ứng phó

 

Theo nhận định của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, diễn biến khí tượng thủy văn mùa mưa, bão, úng năm 2021 diễn biến phức tạp. Từ nay đến tháng 6, đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi rộng, có thể gây ngập lụt. Để hạn chế đến mức thấp nhất do úng ngập, song song với triển khai các công trình tiêu úng ở khu vực ngoại thành, Sở NN&PTNT đã lên phương án phòng, chống úng ngập mùa mưa bão năm 2021 trong trường hợp có mưa dưới 300mm trong 3 ngày. Theo đó, có 3 kịch bản giả định phòng, chống úng ngập. Kịch bản 1, mưa dưới 50mm trong 1 ngày, chưa phải vận hành hệ thống công trình tiêu úng. Kịch bản 2, mưa từ 100 đến 200mm trong vòng 3 ngày, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố sẽ phối hợp với các địa phương khoanh vùng, tiêu nước dần từ thấp lên cao, vận hành các trạm bơm tiêu cục bộ để tiêu nước. Với kịch bản này, nhiều khả năng, diện tích lúa bị úng ngập khoảng 12.447ha.

 

Còn kịch bản 3, mưa từ 200 đến 300m hoặc lớn hơn trong vòng 3 ngày. Đây là kịch bản mưa bất lợi, trong trường hợp bất lợi này, các vùng tiêu phát huy hết khả năng tiêu động lực, khoanh vùng tiêu, có thể buộc phải có những biện pháp tình thế, chấp nhận thiệt hại cục bộ, khoanh khép kín những lưu vực có khả năng chống úng hiệu quả, đồng thời phải bảo đảm an toàn cho các tuyến đê, các hồ chứa nước. Với kịch bản này, tổng diện tích úng ngập dự kiến khoảng 26.404ha. Giải pháp khắc phục là tranh thủ tiêu kiệt nước đệm ngay khi có dự báo bão hoặc áp thấp nhiệt đới, huy động toàn bộ các trạm bơm điện hiện có để chống úng kịp thời; tăng cường tuần tra, kiểm tra, chỉ đạo kịp thời và có biện pháp xử lý ngay giờ đầu sự cố, đặc biệt là việc đảm bảo an toàn hồ chứa nước.

 

Ông Chu Phú Mỹ cho biết, với các kịch bản trên, Sở NN&PTNT đã có các giải pháp chung. Đó là thường xuyên theo dõi tình hình mực nước tại các triền sông và diễn biến thời tiết để điều tiết nước tưới, tiêu cho lúa vụ mùa một cách linh hoạt và chủ động để bảo đảm nguồn nước tưới và kịp thời chống úng khi mưa bão. Triển khai gieo cấy lúa mùa trong khung thời vụ, chuyển đổi vùng trũng thường xuyên bị ngập úng sang nuôi trồng thủy sản để giảm áp lực tiêu nước và hạn chế thiệt hại khi mưa bão xảy ra. Trong chỉ đạo điều hành, Sở NN&PTNT nhất quán phương châm “lấy phòng là chính”, “chống phải kịp thời và có hiệu quả”, khi có dự báo bão, áp thấp nhiệt đới gây mưa lớn, khẩn trương tiêu kiệt nước đệm trên mặt ruộng và trên các tuyến kênh tiêu.

 

Cùng với việc chuẩn bị phương tiện, vật tư, lực lượng, biện pháp phòng, chống úng đối với từng vùng, từng công trình trọng điểm, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về ý thức bảo vệ công trình thủy lợi; triển khai giải tỏa các vi phạm, các chướng ngại vật trên dòng chảy trong hệ thống, kịp thời ngăn chặn không để phát sinh vi phạm mới, tái vi phạm; tạo dòng chảy thông thoáng trên các sông, kênh, mương chính…

 

Hy vọng, với việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trên, sẽ hạn chế tình trạng úng ngập ở khu vực ngoại thành Hà Nội trong mùa mưa bão năm 2021. 

 

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7750
Tổng lượng truy cập: 25380947