Hạt Quản lý đê có trách nhiệm chủ trì thực hiện việc kiểm tra, phát hiện vi phạm kịp thời ngay từ khi mới phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, chủ trì phối hợp với chính quyền hoặc lực lượng được giao phụ trách công tác đê điều xã, phường, thị trấn như Công an, Thanh tra Xây dựng, địa chính, Quản lý đê nhân dân, tiến hành lập biên bản vi phạm, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi vi phạm và chậm nhất trong thời hạn 24 giờ phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm đến Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn sở tại xử lý, hoặc báo cáo UBND quận, huyện, thị xã.
UBND xã, phường, thị trấn chỉ đạo lực lượng được giao phụ trách công tác đê điều như: Công an, Thanh tra Xây dựng, địa chính, Quản lý đê nhân dân, phối hợp chặt chẽ với Hạt Quản lý đê trong việc kiểm tra, phát hiện và lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều.
Một điểm đáng lưu ý khác, tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều được khen thưởng theo quy định. Ngược lại, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý đê điều nhưng không kiểm tra, phát hiện, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành lập biên bản vi phạm pháp luật về đê điều và kiến nghị người có thẩm quyền xử lý, hoặc không phát hiện kịp thời ngay từ khi mới phát sinh vi phạm, gây khó khăn cho công tác quản lý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nhưng không xử lý nghiêm, dứt điểm theo quy định của pháp luật, hoặc không kịp thời xử lý, để vi phạm phát triển vượt quá thẩm quyền, phải chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm lên cấp trên xử lý thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý theo định của pháp luật. Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm tuân thủ những quy định tại Điều 16 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.