Hà Nội quan tâm đầu tư cho hệ thống đê điều phục vụ phòng, chống thiên tai
Nhiều giải pháp phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
Bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông, nắng nóng, rét đậm, rét hại… xảy ra trong những năm qua đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tập trung thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai”. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền thành phố đã tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. UBND thành phố đã ban hành kế hoạch để thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW trên địa bàn thành phố. Theo đó, các sở, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, sát với tình hình thực tế của địa phương, nhiệm vụ của ngành thống nhất tổ chức thực hiện đồng bộ từ thành phố đến cơ sở.
Xác định tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét. Điều này thể hiện ở chỗ, song song thực hiện tốt các giải pháp về tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân; hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thành phố luôn chú trọng nâng cao vai trò, năng lực quản quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai. Năm 2020 là ví dụ, trước mùa mưa, cùng với thành lập, kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, phân công rõ người, rõ việc thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thành phố đã củng cố lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã. Đến nay, cơ bản 30/30 quận, huyện, thị xã đều có lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cơ sở với sự tham gia của 64.948 người, nòng cốt là lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên và có sự tham gia tích cực của các lực lượng như đoàn viên, lao động tại địa phương…
Song song đó, thành phố tập trung nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai bảo đảm đầy đủ. Thông tin về tình hình thời tiết, khí hậu, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thường xuyên được phối hợp, chia sẻ, đăng tải kịp thời bằng nhiều hình thức như trang web, trang mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, tin nhắn SMS… nhằm phục vụ kịp thời dự báo, cảnh báo, phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng phức tạp, ngoài quan tâm ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng, chống thiên tai, thành phố cũng đã chủ động bố trí ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho nhiệm vụ này. Trong đó, ưu tiên đầu tư xử lý cấp bách bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập, khắc phục sạt lở bờ sông, khu vực trọng yếu, di dời dân cư khẩn cấp ra khỏi vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở, lũ quét; đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai các cấp của thành phố…
Quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, nhận thức của một phận người dân có thấp, sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc chưa chặt chẽ, công tác thông tin, báo cáo đôi lúc chưa kịp thời. Phương án, kế hoạch tại một số đơn vị xây dựng chưa cụ thể, chưa bám sát thực tế. Công tác lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống thiên tai ở các cấp, các ngành tuy đã từng bước được đầu tư, trang bị, nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu tình hình thực tế. Lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp, các ngành hầu hết là kiêm nhiệm.
Trong khi đó, theo dự báo tình hình thời tiết, thiên tai năm 2021 và những năm tiếp theo có thể xảy ra các hình thái cực đoan, khó lường. Để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục kịp thời hiện quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố gây ra, thời gian tới, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chương trình số 05-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy (khóa XVII) về việc “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”. Trong đó, chú trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.
Với những kết quả đạt được cùng các nhiệm vụ, giải pháp được thành phố triển khai trong thời gian tới, những ảnh hưởng từ thiên tai sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, góp phần xây dựng xã hội phát triển an toàn trước thiên tai.