Diễn biến thiên tai ngày một bất thường khiến công tác chủ động ứng phó luôn được đặt lên hàng đầu, đặc biệt là tại Hà Nội – nơi có tuyến đê cấp đặc biệt, đóng vai trò quan trọng đối với an toàn vùng Thủ đô.
Kè lát mái tuyến đê ven sông Bùi tại huyện Chương Mỹ
Theo Bộ NN&PTNT, toàn TP Hà Nội hiện có 626,513km đê được phân cấp. Trong đó, có hơn 37,7km đê hữu Hồng là đê cấp đặc biệt; gần 250km đê cấp I, còn lại là đê cấp II, III. IV, V. ngoài ra còn có 41 tuyến đê bao, đê bối và đê chuyên dùng với tổng chiều dài gần 133km (chưa được phân cấp).
Công tác bảo đảm an toàn cho các tuyến đê được Bộ NN&PTNT cũng như UBND TP Hà Nội đặc biệt quan tâm. Dọc các tuyến đê hiện có 162 kè lát mái hộ bờ và kè mỏ hàn. 364 điếm canh đê, 279 giếng giảm áp cùng 74 điểm kho bãi vật tư dự trữ phòng chống lụt bão đã được xây dựng dọc các tuyến đê để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai có thể xảy ra…
Khảo sát mới nhất của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, các tuyến đê cơ bản bảo đảm mặt cắt ngang thiết kế. Bên cạnh đó, gần 89km tre chắn sóng cũng đã được trồng ven đê, phát huy tác dụng khi mực nước sông lên cao, chắn sóng tốt khi có lũ cao.
Ngoài tre chắn sóng, các kè bảo vệ hiện ổn định, bảo đảm chống lũ năm 2021. Hiện, một số kè đang được tích cực triển khai thi công như: Kè Sơn Đà, Minh Quang – Khánh Thượng, Kè Chu Minh (huyện Ba Vì); kè Đông Ngàn tương ứng K2+700 – K3+600 đê tả Đuống (huyện Đông Anh)...
Cùng với nguồn vốn đầu tư của Hà Nội, trong hai năm 20219 – 2020, Bộ NN&PTNT đã hỗ trợ đầu tư cho 38 dự án nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai cho Thủ đô (năm 2019 có 19 dự án, năm 2020 có 19 dự án). Tổng mức đầu tư đến nay vào khoảng 52,1 tỷ đồng. Hiện, các công trình đã cơ bản hoàn thành, phát huy hiệu quả trong công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ an toàn vùng Thủ đô.