HÀ NỘI: TẬP TRUNG PHÒNG, CHỐNG NẮNG, NÓNG CHO ĐÀN GIA SÚC, GIA CẦM
Hà Nội với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn tốp đầu cả nước, trong đó, đàn trâu bò trên 150 nghìn con, đàn lợn trên 1,1 triệu con, đàn gia cầm gần 36 triệu con, đàn chó mèo trên 400 nghìn con, đàn dê trên 14 nghìn con và đàn chim cút trên 6 triệu con. Tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, nhưng chăn nuôi nhỏ lẻ lại chiếm tỷ lệ cao. Theo dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn năm 2020 thời tiết nắng, nóng kỷ lục, do vậy nếu không có biện pháp chủ động phòng, chống nắng, nóng, chăm sóc nuôi dưỡng tốt cho đàn vật nuôi sẽ rất dễ phát sinh các dịch bệnh gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người chăn nuôi.

Để chủ động phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh nhằm ổn định phát triển chăn nuôi, thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan chủ động kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền các biện pháp phòng, chống nắng, nóng, lụt bão và dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, trong đó, tập trung vào các biện pháp chủ yếu sau:

1. Cải tạo chuồng trại, che phủ lên mái các vật liệu chống nắng, nóng, tạo thoáng mát cho chuồng, trại. Sử dụng quạt làm mát, thông gió, lắp đặt hệ thống phun sương tạo độ ẩm, làm mát không khí chuồng nuôi. Đảm bảo chuồng trại được thông thóng, mát mẻ.

2. Đối với mô hình chăn nuôi khép kín kiểm tra, bổ sung hệ thống làm mát và dự phòng máy phát điện khi xảy ra mất điện. Những ngày nhiệt độ cao (≥350C) gia súc chăn thả nên chăn thả vào sáng sớm hoặc chiều mát, không để làm việc quá sức dưới trời nắng, nóng.

3. Giảm mật độ nuôi, giãn chu kỳ nuôi cho phù hợp với từng loại gia súc, gia cầm. Đặc biệt là gia súc, gia cầm sinh sản và gia súc, gia cầm non.

4. Thường xuyên cung cấp đủ nước sạch cho gia súc, gia cầm uống, giảm thức ăn giàu năng lượng, tăng thức ăn có nhiều vitamin, khoáng chất, điện giải; đối với đại gia súc tăng lượng thức ăn thô xanh.

5. Vệ sinh chuồng trại, thường xuyên thu dọn phân, chất thải sạch sẽ, định kỳ phun hóa chất khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi; tăng số lần tắm mát cho đàn gia súc nhất là đàn lợn, gia súc mang thai và chờ phối.

6. Khi có hiện tượng gia súc, gia cầm ốm chết bất thường cần khai báo kịp thời cho thú y và chính quyền địa phương để kịp thời xử lý.

Chỉ đạo cơ quan chuyên môn về thú y từ cấp Thành phố tới thú y cơ sở phối hợp với truyền hình, truyền thanh tuyên truyền phổ biến tới tận người chăn nuôi cần lưu ý các điều kiện như sau đối với từng loại gia súc, gia cầm trong gia đoạn nắng, nóng hiện nay:

1. Chăn nuôi lợn

- Đối với đàn lợn chuồng trại cần được làm mát, có hệ thống tỏa nhiệt, tưới mát, thông gió. Xung quanh chuồng trồng cây xanh tạo bóng mát. Chuồng nuôi nên có phên che chống nắng xung quanh, hàng ngày phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt. Vệ sinh chuồng nuôi, thu gom phân vào hố chứa phân, có thể dùng chế phẩm sinh học để hỗ trợ chăn nuôi, giúp xử lý phân chuồng và làm sạch môi trường chăn nuôi, không cho dịch bệnh có điều kiện phát sinh.

- Cho lợn uống đủ nước sạch, mát, bổ sung B-complex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa… để giải nhiệt và tăng cường sức đề kháng. Tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin: Lở mồm long móng, Tai xanh và các bệnh đỏ để lợn có miễn dịch phòng bệnh. Phòng chống bệnh viêm phổi lợn trong mùa hè. Bà con cần chú ý các biện pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, tiêu độc khử trùng định kỳ chuồng trại và khu vực chăn nuôi để diệt trừ mầm mống của dịch bệnh.

2. Chăn nuôi gia cầm

- Đối với gia cầm, nên thiết kế để nhiệt độ chuồng nuôi có thể giảm được 5 - 7oC so với nhiệt độ bên ngoài. Cần giữ chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, lợp mái ngói hoặc mái lá cọ để chuồng mát, tránh nóng. Nên có phên che chống nắng xung quanh, những ngày nhiệt độ cao có thể phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt.

- Trong quá trình cho ăn thì nên cho gà ăn lúc trời sớm, trời mát để gà ăn được nhiều hơn. Nếu đệm lót quá dày, bà con có thể giảm đi độ dày cùng với giảm mật độ nuôi để giảm nhiệt độ trong chuồng gà. Nếu thời tiết quá nóng có thể thả gà ra vườn, gốc cây quanh chuồng. Ngoài ra cũng cần cung cấp nước sạch, mát và cho đàn gà uống tự do. Với những ngày nhiệt độ quá cao nên tránh nuôi quá béo bằng cách giảm bớt năng lượng trong khẩu phần, cho ăn thêm rau xanh. cho ăn các loại cám chất lượng tốt, phòng bệnh cho gia cầm bằng các loại vắcxin: Newcastle, cúm, dịch tả vịt, tụ huyết trùng… để tăng khả năng miễn dịch chống lại các loại bệnh nguy hiểm xâm nhập.

3. Đối với trâu, bò, dê

- Xung quanh chuồng trại trồng cây xanh tạo bóng mát, chuồng nuôi có phên che chống nắng. Chuồng trại cũng cần được giữ vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng. Giảm nhiệt độ chuồng nuôi bằng cách vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thu gom phân, thực hiện ủ phân sinh học. Nên trồng nhiều cây xanh, che chắn xung quanh để có nhiều bóng mát.

- Cho uống đủ nước sạch, mát, bổ sung Vitamin C để giải nhiệt, cho ăn đủ no từ 30 - 35 kg thức ăn thô xanh, 0,5 - 1 kg thức ăn tinh, 20 - 30 gram muối ăn để đảm bảo sức khoẻ, tăng khả năng chống nóng, chống bệnh tật. Tăng cường chăm sóc gia súc có chửa và gia súc non bởi thời tiết nắng nóng sức đề kháng của chúng cũng xuống thấp. Nên định kỳ tiêu độc, khử trùng chuồng trại bằng các chế phẩm sinh học, tiêm phòng các loại vắc xin như: Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trâu bò, đậu dê.

Nhờ công tác chỉ đạo kịp thời, công tác kiểm tra, hướng dẫn, tuyên truyền có hiệu quả, do vậy trong thời gian vừa qua dịch bệnh Cúm gia cầm có xảy ra tại Mê Linh và Chương Mỹ nhưng nhỏ lẻ được phát hiện và xử lý kịp thời, các bệnh thông thường được chữa khỏi chiếm tỷ lệ cao, điều kiện chăn nuôi, chăm sóc vật nuôi được chú trọng…Hiện nay, trên địa bàn Thành phố dịch bệnh ổn định, không có gia súc, gia cầm ốm, chết do nắng, nóng.

Lê Thị Nương - Chi cục Chăn nuôi Thú y

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 352
Tổng lượng truy cập: 25332407