Hà Nội có diện tích tự nhiên là 3.323,6 km2 gồm 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có 18 huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp; Lợi thế là một Thủ đô song Hà Nội vừa có điều kiện giao thương thuận lợi lại vừa có điều kiện tự nhiên phong phú với 150 nghìn ha đất đồi gò; 125 nghìn ha đất bãi phù xa, 35 nghìn ha đất đồng bằng và còn lại là đất trũng. Vì vậy, ngành Chăn nuôi của thành phố có điều kiện phát triển cả về số lượng và chất lượng, nếu tính tổng đàn gia súc, gia cầm thì trong nhiều năm nay Hà Nội luôn đứng tốp đầu cả nước, Theo số liệu thống kê tháng 6/2018, toàn Thành phố có đàn trâu 25.144 con; đàn bò 131.686 con (bò sữa có 15.688 con, bò lai thịt có 115.927 con); đàn lợn có khoảng 2,04 triệu con (lợn nái 211.877 con, lợn đực giống 2.674 con, lợn thịt 1.419.666 con); đàn gia cầm 29,8 triệu con (đàn gà 19,6 triệu con, Thủy cầm 6,6 triệu con, gia cầm khác 3,6 triệu con). Về sản lượng sản phẩm chăn nuôi, với sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng 801 tấn; thịt bò đạt 5.460 tấn; sản lượng sữa tươi đạt 20.906 tấn; thịt lợn đạt 168.475 tấn; thịt gia cầm đạt 46.899 tấn, sản lượng trứng đạt 730,4 triệu quả. Tỷ trọng chăn nuôi hiện chiếm 56% giá trị GDP trong sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua Hà Nội đã hình thành các xã chăn nuôi trọng điểm, các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, là tiền đề tổ chức liên kết chăn nuôi theo chuỗi, điều kiện để đưa khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào chăn nuôi, tạo vùng nguyên liệu ổn định cho các doanh nghiệp. Đến nay đã phát triển 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm và 3.852 trại/trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư.
Về hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật: Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thành phố, vì vậy công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Có 988 cơ sở, điểm giết mổ (trong đó 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở bán công nghiệp), hàng ngày kiểm soát trâu, bò 200 con; lợn gần 4 ngàn con, gia cầm 28 ngàn con. Có chợ đầu mối gia cầm lớn nhất nước tại Hà Vĩ (huyện Thường Tín) tiêu thụ khoảng 40-60 tấn gia cầm/ngày (khoảng 25 - 30 con/ngày). Riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày bình quân giết mổ từ 1700-2000 con, những ngày giáp Tết Nguyên Đán lên tới gần 2600 - 2900 con/ngày. Số lợn trên khoảng 70% nhập từ các tỉnh thành phố khác về chợ. Bên cạnh đó thời tiết khí hậu hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, bất thường, lưu lượng vận chuyển ra vào thành phố lớn nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm là rất cao. Đặc biệt là các loại dịch bệnh nguy hiểm (như Lở mồm long móng, Tai xanh, Dại, Cúm gia cầm và gần đây là Dịch tả lợn Châu Phi đã và đang diễn ra tại 17 Quốc gia trong đó có nước láng giềng Trung Quốc ...).
Xác định dịch bệnh xảy ra sẽ làm thiệt hại rất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, những năm qua thành phố Hà Nội đã tập trung thực hiện những giải pháp rất hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc gia cầm; cụ thể:
Củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động mạng lưới thú y cơ sở: Từ năm 2013, Thành phố đã đầu tư củng cố mạng lưới thú y cơ sở đến tận thôn, xóm với 584/584 xã phường có trưởng ban Chăn nuôi Thú y (được hưởng tiền công như viên chức), 2430 thú y thôn bản (hưởng phụ cấp 0,3/Hệ số I mức lương nhà nước quy định). Có thể nói với sự đầu tư này là một điểm nhấn giúp cho mạng lưới thú y thực hiện chức năng quản lý nhà nước rất hiệu quả ngay từ cơ sở. Đảm bảo chế độ báo cáo, giám sát dịch bệnh tại cơ sở nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn dịch bệnh kịp thời, không làm bùng phát dịch bệnh. Hệ thống này, (nhất là trưởng Ban Chăn nuôi - Thú y xã, phường) trực tiếp tham mưu cho chính quyền Kế hoạch phòng chống dịch bệnh tại địa phương để giúp cho địa phương tổ chức thực hiện. Trực tiếp triển khai thực hiện việc tiêm phòng (đại trà, bổ sung hàng ngày, hàng tháng), tổng tẩy uế môi trường, khám chữa bệnh tại địa bàn, xử lý tiêu hủy khi có gia súc gia cầm ốm chết. Thực hiện việc kiểm soát, khai báo gia súc gia cầm ra, vào địa phương; hướng dẫn, tư vấn chủ hộ chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật về quy trình chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó phối hợp với các ngành liên quan thực hiện chức năng kiểm soát an toàn thực phẩm, các hoạt động kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn. Kịp thời khai báo, cùng các ngành liên quan xử lý những vi phạm liên quan đến công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm. Nhờ lực lượng này hoạt động có hiệu quả này giúp cho Hà Nội những năm qua thực hiện tốt các giải pháp phòng bệnh không để dịch lớn xảy ra, những ổ dịch nhỏ lẻ đã được ngăn chặn kịp thời.
Có chính sách hỗ trợ vác xin đối với một số loại dịch bệnh nguy hiểm (như Cúm gia cầm, Lở mồm long móng, Tai xanh, Dại ...) đối với gia súc gia cầm giống để chủ động tạo miễm dịch cho đàn gia súc gia cầm. Nhờ chính sách này mà Hà Nội những năm qua thường tổ chức đồng loạt 2 đợt tiêm phòng đại trà (vào tháng 3 - 4 và tháng 9 -10 hàng năm), hàng tháng tiêm phòng bổ sung cho đàn gia súc gia cầm phát sinh mới nhập đàn nhằm tạo miễm dịch cho đàn gia súc gia cầm nhất là đàn giống. Đảm bảo tính đồng bộ tiêm phòng cho tổng đàn trên địa bàn Thành phố đáp ứng miễm dịch, bên cạnh đó hệ thống thú y cơ sở triển khai đồng loạt nâng cao việc quản lý vac xin, chất lượng vác xin. Hàng năm đảm bảo trên 85 % số gia súc gia cầm trong diện tiêm, đặc biệt tỷ lệ tiêm phòng vác xin Dại cho đàn chó mèo đạt trên 90 % để ngăn chặn bệnh Dại bảo vệ sức khỏe cho con người, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Vệ sinh tiêu độc, khử trùng môi trường phòng chống dịch bệnh: Hàng năm, tổ chức 5-6 đợt vệ sinh tiêu độc trên địa bàn toàn Thành phố để làm sạch môi trường, chủ động ngăn chặn dịch bệnh. Đây là một trong những giải pháp làm sạch môi trường, hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh, hàng năm thực hiện với diện tích phun phòng khoảng trên 300 triệu m2, trong đó tập trung ở các khu vực chăn nuôi, nguy cơ lây nhiễm cao, cơ sở chăn nuôi giết mổ, ổ dịch cũ. Biện pháp này cũng giúp cho việc huy động các cấp, các ngành cùng vào cuộc làm sạch môi trường để phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc gia cầm.
Thông tin tuyên truyên, đây là giải pháp nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, người chăn nuôi chủ động phòng chống dịch bệnh. Hàng năm tổ chức tuyên tuyền, tập huấn kỹ thuật cho hàng ngàn cán bộ thú y cơ sở, hàng vạn người dân, người chăn nuôi về kiến thức phòng chống dịch bệnh, các quy trình kỹ thuật chăn nuôi. In và phát hàng vạn tờ rời đến các đối tượng là chủ hộ kinh doanh, người chăn nuôi, chủ trang trại góp phần nâng cao nhận thức cho mạng lưới thú y cơ sở, người dân trong phòng chống dịch bệnh từ cơ sở. Tổ chức ký cam kết không sử dụng chất cấm, chất tạo nạc cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi. Đến nay các cơ sở đã thực hiện ký cam kết đạt trên 90%; Hàng năm ngành Thú y phối hợp các cơ quan truyền thông ở Trung ương và Hà Nội tổ chức thực hiện nhiều phóng sự, chương trình giới thiệu, hướng dẫn chuyên môn cho người dân đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất.
Hoạt động kiểm dịch, kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm, một trong nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Mặc dù có nhiều khó khăn khi Luật Thú y bãi bỏ kiểm dịch nội tỉnh, địa bàn Thành phố giáp với 8 tỉnh thành, có nhiều đường ra vào song công tác kiểm dịch vận chuyển đã được thực hiện tốt. Từ đầu năm 2018 đã thực hiện kiểm tra 30.375 lượt phương tiện vận chuyển đảm bảo kiểm dịch ra vào thành phố đúng quy định. Về quản lý hoạt động kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm đến nay Thành phố ban hành Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 28/7/2017 về việc điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 5791/QĐ-UBND ngày 12/12/2012 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020. Theo đó có 16 điểm giết mổ thuộc 07 huyện được bổ sung quy hoạch (gồm Mỹ Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đan Phượng, Ứng Hòa, Mê Linh, Thị xã Sơn Tây). Xu thế giết mổ tập trung được các cấp chính quyền quan tâm, người chăn nuôi, người kinh doanh, hoạt động giết mổ đồng thuận cao. Về số lượng đã có nhiều chuyển biến tích cực tăng trên 30 % so với cùng kỳ. Bên cạnh đó tập trung xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, tập trung chỉ đạo xây dựng cơ sở An toàn bệnh gia súc gia cầm theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Ngành Thú y đã và đang đề xuất xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh Dại trong Chương trình khống chế bệnh Dại giai đoạn 2018-2021. Thực hiện tốt công tác quản lý giống, thức ăn chăn nuôi trên địa bàn với 1.410 đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi, 715 cơ sở kinh doanh thuốc thú y.
Công tác thanh tra, kiểm tra, một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, những năm qua ngành Thú y Hà Nội đã phối hợp cùng Công an Hà Nội, Chi cục Quản lý Thị trường, đoàn kiểm tra liên ngành, đoàn kiểm tra tại các quận huyện kiểm tra và xử lý những vi phạm trong công tác giết mổ, vệ sinh thú y, an tòa thực phẩm; Trạm Thú y các quận, huyện, thị xã đã phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện tăng cường kiểm tra và chấn chỉnh vi phạm trong công tác thú y. Kết quả từ đầu năm 2018 đến nay tổng số buổi kiểm tra là 3.416 buổi. Số lượt cơ sở được kiểm tra là 12.616 lượt cơ sở. Số trường hợp vi phạm được phát hiện và xử lý giảm 15,5%, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực kiểm dịch, vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Hình thức xử phạt chủ yếu là cảnh cáo và phạt tiền, tập trung chủ yếu ở các quận nội thành. Tổng số tiền phạt lên tới 1.290.369.000 đồng (Một tỷ hai trăm chin mươi triệu ba trăm sáu chin nghìn đồng)
Dự báo trong thời gian tới công tác phòng chống dịch bệnh gia súc gia cầm với nhiều khó khăn do thời tiết khí hậu diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng trực tiếp và gây bất lợi đến tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm, quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm; Nguy cơ bùng phát dịch bệnh đàn gia súc gia cầm rất cao, nhất là trên đàn lợn và đàn gia cầm (Dịch tả lợn Châu Phi, Tai xanh, Lở mồm long móng, Cúm gia cầm, Gumboro, Dại…); Đặc biệt với hệ thống ngành Thú y cấp huyện khi Nhà nước có chủ trương sáp nhập với trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông (thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp) thì việc quản lý chuyên ngành sẽ gặp nhiều khó khăn nhất là chức năng quản lý Nhà nước về Thú y tại địa phương.
Ngành Thú y Hà Nội đã và đang tập trung tham mưu UBND Thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện các giải pháp đồng bộ đó là xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời, chính xác, sát thực tế. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra đôn đốc, tổng hợp báo cáo, đề xuất các giải pháp giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các địa phương. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Thú y, Luật An toàn thực phẩm và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn trong lĩnh vực Thú y và An toàn thực phẩm; Về chuyên môn thực hiện việc tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, tổng tẩy uế môi trường, xây dựng các cơ sở vùng an toàn dịch bệnh. Nâng cao năng lực cho cán bộ trong hệ thống ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ tại cơ sở nhất là mạng lưới thú y xã phường, thôn bản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Thực hiện tuyên truyền sâu rộng thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức tuyên truyền khác để cộng đồng dân cư, người chăn nuôi nhận thức và chấp hành đúng Luật Thú y, An toàn thực phẩm.
Với các giải pháp trên được cac cấp các ngành thực hiện đồng bộ, công tác phòng chống dịch bệnh tiếp tục được thực hiện tốt không để dịch lớn xảy ra góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển hiệu quả bền vững./.