NGUY CƠ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TẠI HÀ NÔI

Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới, từ cuối năm 2017 đến nay, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo có bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy lên đến trên 500 ngàn con. Cũng theo Tổ chức Thú y thế giới và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc, từ đầu tháng 8/2018 đến nay tại Trung Quốc đã phát hiện 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (gồm An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang với tổng số hơn 38 ngàn con lợn các loại mắc bệnh buộc phải tiêu hủy).

Theo thông báo của Cục Thú y, hiện nay chưa phát hiện dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch này từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao. Bên cạnh đó, các hoạt động thương mại, du lịch của người dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi rút bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Với Hà Nội nguy cơ xâm nhiễm Dịch tả lợn Châu phi là quá cao do có tổng đàn lợn đứng tốp đầu cả nước với khoảng 2,04 triệu con (lợn nái 211.877 con, lợn đực giống 2.674 con, lợn thịt 1.419.666 con); Trên địa bàn Thành phố hiện có 283 công ty, xí nghiệp, HTX, Trung tâm, doanh nghiệp có chăn nuôi lợn (như Công ty CP, Dabaco, Việt Hưng, JaFa, HTX chăn nuôi huyện Đan Phượng, Công ty cổ phần Giống vật nuôi Hà Nội, HTX Hòa Mỹ...) với tổng đàn nuôi khoảng 450 ngàn con (chiếm 22% tổng đàn lợn toàn Thành phố). Trên địa bàn Hà Nội những năm qua đã hình thành các xã chăn nuôi trọng điểm trong đó có 13 xã chăn nuôi lợn với nhiều trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư nên việc xuất nhập, vận chuyển lợn ra vào các xã trọng điểm này quá lớn trong đó có việc xuất nhập từ các tỉnh về.

Hà Nội tiếp giáp với 8 tỉnh, thành phố, có nhiều trục đường, cửa ngõ ra vào Thành phố, vì vậy công tác quản lý dịch bệnh động vật kiểm dịch, kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc từ động vật gặp nhiều khó khăn và rất phức tạp. Có 988 điểm, cơ sở giết mổ trong đó có 259 cơ sở, điểm giết mổ lợn. Riêng cơ sở giết mổ lợn Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) hàng ngày giết mổ từ 1700-2000 con, những ngày giáp Tết Nguyên Đán lên tới 2600 - 2900 con/ngày. Số lợn trên khoảng gần 70% nhập từ các tỉnh, thành phố khác về. Phương thức chăn nuôi hiện nay trên địa bản thành phố tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ còn cao (trên 60%) do đó khó kiểm soát về dịch bệnh; Bên cạnh đó thời tiết khí hậu và diễn biến dịch bệnh động vật phức tạp nhất là dịp cuối năm lưu lượng gia súc gia cầm ra, vào thành phố rất lớn. Đây cũng chính là những nguy cơ bùng phát dịch bệnh gia súc gia cầm nói chung và xâm nhiễm dịch bệnh Dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn Hà Nội.
Với nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh Dịch tả Châu phi là quá cao như vậy thời qua Hà Nội đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đó là:
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp có Công điện về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; Thành phố đã có các văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND quận huyện thị xã. UBND Thành phố đã có Kế hoạch số 187/KH-UBND ngày 28/9/2018 về hành động ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào địa bàn thành phố. Trong đó đưa ra hai tình huống cụ thể đó là tập trung các giải pháp khi chưa có dịch xảy ra và những biện pháp cụ thể để sẵn sàng ứng phó trong trường hợp có dịch xảy ra. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã có ngay văn bản đôn đốc, hướng dẫn và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Thú y, Trung tâm Phát triển chăn nuôi, Trung tâm Khuyến nông, Thanh tra Sở, ..) triển khai ngay các giải pháp cụ thể đến các quận huyện thị xã. Trong đó chú trọng đến việc tuyên truyền, hướng dẫn các giải pháp kỹ thuật về tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc nhất là ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao, giám sát dịch bệnh, quản lý chặt chẽ việc xuất nhập lợn vào địa bàn thành phố.
Thành lập ngay 02 đoàn Kiểm tra đi kiểm tra tất cả các quận huyện, thị xã việc triển khai Kế hoạch của thành phố, qua kiểm tra thấy các quận huyện đều đã ban hành Kế hoạch và công văn chỉ đạo đến các xã, phường thị trấn. Nhiều huyện đã làm tốt việc triển khai các giải pháp (như Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng, Chương Mỹ ...), điều đáng ghi nhận là trong chỉ đạo các quận huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy toàn dân cùng tham gia phòng chống bệnh Dịch tả lợn Châu phi. Các tổ chức đoàn thể (như Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên ...) đã rất tích cực tham gia vào công tác tuyên truyền, vệ sinh tiêu độc làm sạch môi trường, vận động các chủ hộ kinh doanh, buôn bán, chăn nuôi thực hiện tốt các giải pháp phòng chống dịch bệnh do địa phương triển khai thực hiện. Các địa phương cũng đã quan tâm đến việc đầu tư kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh nhất là về mở các lớp tập huấn, hóa chất, vôi bột cho các nơi nguy cơ lây nhiễm cao, bãi rác, chợ, nơi buôn bán động vật, sản phẩm động vật.
Tăng cường công tác Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn Thành phố. Hiện trên địa bàn Thành phố duy trì hoạt động của 04 Trạm, chốt kiểm dịch động vật đầu mối giao thông (trạm Ba La, Ngọc Hồi, Dốc Lã, Chốt Trung Giã - Sóc Sơn) nhằm kiểm soát vận chuyển lợn và sản phẩm lợn ra, vào Thành phố; 04 chốt kiểm dịch động vật liên ngành (tại Thường Tín, Minh Hiền, Vạn Phúc, Bắc Thăng Long) thực hiện kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật trước và sau khi giết mổ. Riêng các chốt tại cơ sở giết mổ Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) đảm bảo trực 24/24h nhằm giám sát chặt chẽ số lợn được nhập các tỉnh thành về cơ sở giết mổ. Trong quá trình kiểm tra cán bộ chuyên môn đã kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tổ chức giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên đàn lợn, chỉ đạo mạng lưới Thú y cơ sở hàng ngày theo dõi đàn lợn nhằm phát hiện sớm và xử lý kịp thời; Tổ chức thực hiện lấy mẫu giám sát vi rút Dịch tả lợn Châu Phi tại các cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi lợn theo hướng dẫn của Cục Thú y. Tổ chức thông tin tuyên truyền đến người chăn nuôi về bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, tính chất nguy hiểm của bệnh; Hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; mua lợn giống rõ nguồn gốc, xuất phát từ vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh; Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho đàn lợn; Hàng ngày vệ sinh, phun thuốc sát trùng chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi để phòng bệnh; Khi phát hiện lợn nghi mắc bệnh, báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương và thú y cơ sở để xử lý; không bán chạy, giết mổ, vận chuyển lợn đi nơi khác làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường tập huấn chuyên môn kỹ thuật tại các cơ sở, đến nay đã tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về phòng chống dịch bệnh Dịch tả lợn Châu Phí trên 2000 người là cán bộ thú y cơ sở, hộ chăn nuôi, chủ hộ kinh doanh buôn bán động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ. Đã thực hiện xong 5 đợt vệ sinh tiêu độc, khử trùng đại trà toàn Thành phố, trong đó có 01 đợt phun thuốc diệt ruồi, muỗi, côn trùng, 01 đợt thực hiện “Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đợt 2/2018” theo phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT với tổng diện tích đã tiêu độc 278.201.000 m2. Tổ chức tốt công tác tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn lợn, đặc biệt đối với bệnh Dịch tả lợn (cổ điển); đang thực hiện tiêm phòng vắc xin đại trà đợt 2/2018 trên địa bàn toàn Thành phố. Riêng với ngành Thú y trong thời gian qua đã chỉ đạo quyết liệt đến hệ thống thú y cơ sở trong việc tham mưu, đề xuất chính quyền các cấp. Nâng cao năng lực chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về vật tư, hóa chất, dụng cụ, trang thiết bị chuyên ngành để thực thi nhiệm vụ về phòng chống dịch bệnh và sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh xảy ra.
Mặc dù nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam nói chung, vào Hà Nội nói riêng là quá cao song với các giải pháp trên được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đặc biệt có sự đồng thuận của người dân, người chăn nuôi luôn cảnh giác không chủ quan lơ là thì chác chắn sẽ hạn chế, ngăn chặn được bệnh Dịch tả lợn Châu phi xâm nhiễm vào địa bàn Thành phố./.
Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8716
Tổng lượng truy cập: 25332407