Nhằm tuyên truyền về ý nghĩa của công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức của người dân không nên đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên, góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững. Vừa qua, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Thanh Oai tổ chức chương trình thả cá bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại Sông Đáy.
Trên dòng sông Đáy đoạn chảy qua xã Cao Dương, huyện Thanh Oai, Chi cục Thủy sản Hà Nội đã tổ chức thả 2.000 con cá chép và cá trôi về môi trường tự nhiên. Đây là hoạt động thường xuyên của Chi cục Thủy sản Hà Nội nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch UBND xã Cao Dương, huyện Thanh Oai: Thông qua hoạt động này, bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân trên địa bàn xã hiểu rõ về ý nghĩa của công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân không nên đánh bắt thủy sản theo kiểu tận diệt như: Sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia thả giống thủy sản vào môi trường tự nhiên, góp phần phát triển nghề khai thác thủy sản hiệu quả, bền vững.
Huyện Thanh Oai hiện có trên 1000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó diện tích chuyển đổi phát triển nuôi trồng thủy sản là 680 ha và diện tích đầm tự nhiên là 328 ha. Việc phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung chủ yếu ở các xã: Thanh Cao, Tam Hưng, Thanh Văn, Tân Ước, Liên Châu, Dân Hòa, Hồng Dương… với năng suất bình quân đạt trên 5 tấn/ha. Trong đó có những vùng thâm canh lên tới trên 10 tấn/ha/năm. Tỷ trọng ngành chăn nuôi, thủy sản chiếm 60% giá trị sản xuất nông nghiệp, trong đó ngành thủy sản chiếm khoảng 10%. Theo bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Thanh Oai còn rất lớn, với khoảng 1500 ha diện tích có thể chuyển đổi phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, bên cạnh việc tuyên truyền về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên, huyện Thanh Oai còn phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thủy sản Hà Nội để nâng cao chất lượng con giống, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị kinh tế cho người dân.
Hà Nội là địa phương có nguồn thủy sản tự nhiên khá phong phú trên hệ thống các sông như sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Tích, sông Bùi... và vùng ngoại thành có trên 9.000ha ruộng trũng, kênh, mương thủy lợi khá dày đặc. Tuy nhiên, vài năm gần đây các loài thủy sản sống trong tự̣ nhiên đang bị suy giảm nghiêm trọng cả về số lượng và sản lượng. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, trong đó có nguyên nhân từ việc người dân sử dụng các phương pháp khai thác tận diệt như chất nổ, xung điện, ngư cụ đánh bắt không theo quy định…. Ngoài ra, môi trường nước bị ô nhiễm do các loại nước thải, các loại thuốc, hóa chất dùng trong nông nghiệp gây ra đã tác động xấu tới sự sinh sản, phát triển của các loài thủy sản tự nhiên khiến nguồn lợi thủy sản bị suy giảm.
Theo ông Tạ Văn Sơn - Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội để tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong những năm qua, Chi cục Thủy sản Hà Nội đều tiến hành các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên các hệ thống sông, hồ trên địa bàn TP, lượng cá giống được thả từ 1 – 2 tấn/năm. Hoạt động này thu hút đông đảo sự tham gia của cán bộ, Nhân dân, người khai thác và nuôi thủy sản trên địa bàn, từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, nhu cầu sản phẩm thủy sản cho Hà Nội đến năm 2020 khoảng 243.000 tấn. Để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng mô hình nuôi trồng thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ tiên tiến đạt sản lượng, chất lượng cao. Cùng với đó, để bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên, trong thời gian tới, Hà Nội cần quy hoạch hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hình thành các khu vực bảo tồn đa dạng sinh học thủy sản để các loài thủy sản có nơi cư trú, sinh sản. Với chủ trương, định hướng của thành phố, cộng với tiềm lực về con người, điều kiện tự nhiên và sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, ngành nuôi trồng thủy sản của Hà Nội sẽ có những bước phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần khai thác hết tiềm năng, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản an toàn ngày càng cao của người dân Thủ đô./.
NGUY CƠ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI TẠI HÀ NÔI(12/11/2018)
Hà Nội Với các giải pháp phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả(12/11/2018)
Công bố sản xuất thành công vacxin lở mồm long móng tại Việt Nam(19/11/2018)
Phòng chống dịch bệnh cho vật nuôi: Nhiều thách thức(19/11/2018)