Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn

Ngày 14/3/2019, tại thành phố Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn”.

Nhằm góp phần ngăn chặn, phòng tránh sự lây lan, bùng phát dịch bệnh trên đàn lợn ra diện rộng; tạo điều kiện cho các hộ nông dân, nhà khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trực tiếp tiếp cận thông tin, hiểu rõ hơn về mức độ nguy hiểm của các loại dịch bệnh, không hoang mang mà phải chủ động phòng chống dịch, ngày 14/3/2019, tại thành phố Hà Nội, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT Thành phố Hà Nội tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề: “Giải pháp phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi lợn”. Diễn đàn thu hút gần 300 đại biểu tham dự, đặc biệt là đông đảo người chăn nuôi lợn tại một số tỉnh đang xảy ra dịch bệnh.

PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Hạ Thúy Hạnh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, Nguyễn Xuân Đại chủ trì diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn

Trước thực tế ngành chăn nuôi lợn nước ta vẫn đang đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, như: năng suất thấp, giá thành sản phẩm cao, chất lượng và an toàn thực phẩm chưa ổn định, sức cạnh tranh thấp… Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở nước ta đã tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; mật độ chăn nuôi cao, xen lẫn trong các khu dân cư, lại không thường xuyên thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh nên càng làm cho công tác kiểm soát dịch bệnh thêm khó khăn và phức tạp.

Một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp và quyết định đến những thách thức đó là vấn đề chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát dịch bệnh, đặc biệt là những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như lở mồm long móng, tai xanh và đặc biệt “nóng” nhất hiện nay là bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ lợn chết lên đến 100%. Tình hình dịch tả lợn châu Phi đang có dấu hiệu lan rộng một cách nhanh chóng. Đến ngày 14/3/2019, chưa đầy 1 tháng sau khi công bố dịch, đã có 17 tỉnh xuất hiện lợn nhiễm dịch bệnh, số lợn tiêu hủy lên đến hàng nghìn con với trọng lượng tiêu hủy hàng trăm tấn.

Thực tế cho thấy, dù các ngành chức năng đã vào cuộc tích cực, song nguy cơ phát sinh, lây lan dịch bệnh vẫn còn cao. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của người chăn nuôi còn chủ quan, lơ là và thiếu trách nhiệm. Đáng lo nhất là tình trạng người dân vẫn còn vứt xác lợn chết bừa bãi ra môi trường khiến công tác kiểm soát, ngăn chặn bệnh dịch rất khó khăn.

Tại Diễn đàn, vấn đề được đại biểu quan tâm nhiều nhất là biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi. Các nhà quản lý, nhà khoa học, các chuyên gia đã tư vấn và làm rõ những nội dung: quản lý nhà nước về chăn nuôi, lâm sàng dịch bệnh, tiêu độc khử trùng, tiêm phòng bệnh, giết mổ, tiêu hủy, sản xuất tái đàn sau khi hết dịch, chăn nuôi an toàn sinh học, định hướng tiêu thụ, đặc biệt là chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi hiện nay.

 

                                                             Ban chủ tọa, Ban cố vấn Diễn đàn

Một số giải pháp chủ yếu được các chuyên gia đưa ra là:

Trước nguy cơ tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp, trước mắt là dịch tả lợn châu Phi đang lan ran rất nhanh tại các địa phương, nhiều nơi nông dân đang chủ động giảm đàn để tránh thiệt hại, hoặc bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh, không báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y; người tiêu dùng có xu hướng “tẩy chay” tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn và đảm bảo chất lượng. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi đề nghị: Song song với phòng chống dịch, cần phải tiếp tục duy trì, ổn định, phát triển sản xuất để bảo vệ đàn lợn, đáp ứng yêu cầu cung cấp thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền để người chăn nuôi thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt; thường xuyên và định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, chợ, điểm buôn bán, giết mổ, kinh doanh thực phẩm… Ngoài ra cần liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ để hình thành sản xuất sản phẩm theo chuỗi có truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tăng cường tuyên truyền để vừa bảo đảm bảo vệ, phát triển chăn nuôi, vừa nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh hoang mang trong xã hội và đặc biệt để người dân hiểu đúng về dịch bệnh.

Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm và không thực hiện các biện pháp chống dịch dẫn đến lây lan dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia kiến nghị: Cần tăng cường chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên động vật, cần thường xuyên cập nhật diễn biến dịch bệnh trên các kênh thông tin chính thức để đảm bảo tuyên truyền một cách chính xác. Xây dựng các phương án phòng chống dịch bệnh phù hợp với đặc điểm của từng nhóm bệnh trên động vật, ban hành văn bản hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hướng dẫn, giám sát công tác phòng chống dịch bệnh tại các địa phương …

Theo Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, do hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị dịch tả lợn châu Phi, vì vậy đối với người chăn nuôi giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, đồng bộ là biện pháp hữu hiệu duy nhất hiện nay đối với phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đàn lợn khi phát hiện nghi nhiễm, mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi cần lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân bệnh, nếu dương tính không điều trị bệnh mà phải tiêu hủy sớm toàn bộ đàn lợn. Thực hiện tiêu độc khử trùng tại các khu vực chăn nuôi, các điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; tiêu diệt ve, ruồi, muỗi và các côn trùng khác.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đề nghị cần giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ, xây dựng nhiều hơn các chuỗi liên kết và có chỉ đạo sâu về quản lý thức ăn chăn nuôi (trong đó có tình trạng sử dụng thức ăn dư thừa tại các nhà hàng, khách sạn… ); quy hoạch và xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung dưới sự kiểm soát của cơ quan thú y.

Về chính sách hỗ trợ trong trường hợp xảy ra dịch, người chăn nuôi còn nhiều băn khoăn như mức hỗ trợ thấp hơn so với giá thị trường, thời gian hỗ trợ kéo dài, thủ tục hỗ trợ vướng mắc, mất nhiều thời gian. Đề nghị các địa phương sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ nông dân trong 15 ngày kể từ ngày có lợn bị tiêu hủy để người chăn nuôi có vốn duy trì đàn bên cạnh nỗ lực phòng chống dịch. Phải thực hiện phương châm “Chống dịch như chống giặc”.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết: Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, các địa phương cần chủ động triển khai nghiêm túc, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả để không lây lan diện rộng. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, dụng cụ lấy mẫu… Đề xuất thành phố hỗ trợ các mức giá khác nhau tương ứng với từng loại lợn.

Đại biểu tham dự Diễn đàn phát biểu

PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Hạ Thúy Hạnh đề nghị:

Đối với địa phương chưa có dịch bệnh: Tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn qua các cửa khẩu, giám sát chặt tại các địa điểm buôn bán, giết mổ, chợ …, định kỳ thực hiện tiêu độc khử trùng. Tiếp tục xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt, xây dựng cơ sở, chuỗi cơ sở và vùng an toàn dịch bệnh. Chuẩn bị lực lượng hỗ trợ cơ quan thú y khi cần thiết.

Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt “5 không”: không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Đối với địa phương có dịch bệnh, tiêu hủy toàn bộ lợn trong ổ dịch, thực hiện tiêu độc khử trùng vùng ổ dịch, vùng nguy cơ cao và vùng đệm. thành lập các chốt kiểm dịch, thực hiện nghiêm túc hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn.

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ chỉ đạo khuyến nông các tỉnh tăng cường xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức các lớp tập huấn ToT để cung cấp tài liệu khung cho cán bộ khuyến nông và nông dân phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Tiếp tục thông tin tuyên truyền thông qua nhiều hình thức như tờ rơi, sổ tay,… nhằm cung cấp đầy đủ thông tin để người chăn nuôi và người tiêu dùng hiểu đúng, không gây hoang mang mà phải chủ động phòng chống dịch.

 

                        PGĐ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Hạ Thúy Hạnh phát biểu tại Diễn đàn
Nguồn: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8536
Tổng lượng truy cập: 25332407