Xã Tiền Yên là “vựa” rau lớn ở huyện Hoài Đức với diện tích hơn 70ha, trong đó có 33,5ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Mỗi ngày, vùng rau Tiền Yên cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả và được đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Theo bà Nguyễn Thị Thành ở xã Tiền Yên, để có nguồn rau bảo đảm chất lượng, các hộ trồng rau tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất: Không sử dụng hóa chất, phân hóa học, thay thế bằng phân hữu cơ, vi sinh và thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Tương tự, tại huyện Phúc Thọ, mô hình sản xuất rau an toàn đã tạo ra sự khác biệt với phương thức cũ, giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương khẳng định: “Việc áp dụng mô hình sản xuất rau an toàn mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân, vừa tạo ra sản phẩm an toàn, nâng cao giá trị kinh tế, vừa bảo vệ môi trường”.
Cụ thể, tại huyện Phúc Thọ, đến nay, các địa phương đã tăng diện tích sản xuất rau an toàn lên 480ha. Nhờ vậy, sản phẩm rau, củ, quả của huyện Phúc Thọ đã có thương hiệu trên thị trường, mang lại giá trị kinh tế cao. Bình quân doanh thu 450-550 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có loại rau ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất đạt 800-900 triệu đồng/ha/năm.
Ngoài hai địa phương này, hiện toàn thành phố Hà Nội còn phát triển được hơn 5.000ha rau an toàn. Tiêu biểu như 220ha ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm); 200ha ở xã Tráng Việt và 90ha ở xã Tiền Phong (huyện Mê Linh); 15ha ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ)... mỗi ngày cung cấp hàng nghìn tấn rau, củ, quả an toàn cho người tiêu dùng Thủ đô.
Về lĩnh vực này, theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, giai đoạn 2015-2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức 1.100 lớp tập huấn sản xuất rau an toàn/VietGAP cho hàng chục nghìn lượt nông dân. Hằng năm, ngành Nông nghiệp phối hợp với Hội Nông dân các cấp tổ chức tuyên truyền cho hơn 10 nghìn lượt cán bộ, hội viên nông dân nâng cao nhận thức về Luật Bảo vệ môi trường... qua đó, giúp thay đổi hành vi, phương thức canh tác như: Không lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục; không vứt bỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tùy tiện, bừa bãi...
Bên cạnh đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn nhằm kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng của người dân; phối hợp với chính quyền địa phương lắp đặt 20.000 thùng chứa bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên các vùng trồng rau an toàn để bảo vệ môi trường...
Với những giải pháp cụ thể, việc sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường ở Hà Nội đã đạt được kết quả tích cực, thúc đẩy sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn 2020-2025, ngành Nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tăng diện tích sản xuất rau an toàn lên 12.000ha nhằm tạo nguồn cung nông sản chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xanh - sạch trên địa bàn...