Bà Nguyễn Thị Lan ở xã Minh Đức cho hay, 3 năm gần đây, sau khi được huyện tuyên truyền, gia đình bà đã chuyển hẳn sang canh tác lúa chất lượng cao J02. Lúa J02 là giống ngắn ngày, năng suất cao, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất bình quân 60 tạ/ha, chất lượng gạo thơm ngon nên giá bán lúa J02 cao hơn lúa thường khoảng 30%.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi, là giống lúa có nguồn gốc Nhật Bản, dòng Japonica được UBND huyện chỉ đạo đưa vào sản xuất vụ đầu tiên năm 2016 tại Hợp tác xã Miêng Hạ (xã Hoa Sơn) với diện tích 38,4ha, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp cung ứng giống. Qua theo dõi sinh trưởng của dòng lúa này trong 5 năm cho thấy, giống J02 rất thích hợp với chân trũng (vụ xuân) và chân vàn (vụ mùa); có khả năng chống chịu sâu bệnh... Để vùng lúa Japonica chất lượng cao của Ứng Hòa được mở rộng thì vai trò của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong liên kết, hỗ trợ là rất lớn.
Còn bà Cao Thị Thủy - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết (xã Phương Tú) cho biết, tham gia vào chuỗi sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn huyện Ứng Hòa, đơn vị đã cung cấp các dịch vụ: Mạ khay, máy cấy, thuốc bảo vệ thực vật, phơi sấy, bao tiêu sản phẩm… Hợp tác xã đã xây dựng 15 giàn sấy lúa tại xã Hồng Quang để thu mua lúa J02 tươi và xây dựng dự án chuỗi sản xuất - chế biến lúa gạo tại xã Liên Bạt để thu mua, bao tiêu lúa, gạo để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhận rõ việc phát triển lúa hàng hóa trên địa bàn huyện là hướng đi đúng, cần được mở rộng, xây dựng thành "vựa lúa", Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn khẳng định: Hiện nay, huyện đã hoàn thành việc xây dựng nhãn hiệu gạo chất lượng Khu Cháy, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tại Quyết định số 93898/QĐ-SHTT ngày 24-12-2018, giao cho Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết sử dụng nhằm nâng cao giá trị hàng hóa cho sản phẩm lúa, gạo của huyện. Qua đó, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, khuyến khích nông dân sản xuất lúa, gạo theo hướng hàng hóa, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp bao tiêu.
"Thời gian tới, huyện duy trì ổn định 5 vùng lúa chất lượng cao với diện tích gần 6.000ha (tới năm 2030). Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới như: Cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên; sử dụng phân vi sinh và chế phẩm sinh học để xử lý phụ phẩm sau thu hoạch; tăng cường các phương pháp nhằm tăng năng suất, nâng cao giá trị và giảm chi phí; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm gạo chất lượng cao Khu Cháy với các sản phẩm gạo: Japonica, Bắc thơm số 7, nếp nhung, nếp cái hoa vàng…", ông Phạm Anh Tuấn thông tin.