Đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu ở Hà Nội
Nhờ bảo tồn, đẩy mạnh phát triển và mở rộng diện tích trồng các loài cây dược liệu quý có giá trị kinh tế cao đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và đây cũng là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững của thành phố Hà Nội.

Hiệu quả rõ rệt

Nhằm bảo tồn và phát huy tiềm năng của các loại cây dược liệu có thế mạnh, thời gian qua, nhiều địa phương khu vực ngoại thành Hà Nội đã hỗ trợ mở rộng diện tích. Đơn cử, xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn), cách đây 5 năm, có khoảng 5ha trồng cây dược liệu. Được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thành phố, người dân xã Bắc Sơn đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển cây dược liệu. Đến nay, toàn xã có hơn 30ha trồng cây dược liệu cho giá trị thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm. Tương tự, xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), người dân cũng đã tích cực mở rộng diện tích trồng cây chùm ngây, cà gai leo, húng chanh, đinh lăng…, đây đều là những cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế cao gấp 7-10 lần so với trồng lúa. Đến nay, toàn xã có 2ha trồng cây dược liệu và thành lập hợp tác xã chế biến các loại trà đóng gói…

Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, đến nay, toàn thành phố có gần 531,3ha diện tích gieo trồng cây dược liệu hằng năm và 200ha diện tích cây dược liệu lâu năm. Cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các quận, huyện: Sóc Sơn, Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mỹ Đức, Thường Tín, Ba Vì. Nguồn gen dược liệu dược trồng trên địa bàn thành phố khá đa dạng với khoảng 176 nguồn gen. Cách đây 2 năm, Sở NN&PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Tài nguyên thực vật (Bộ NN&PTNT) tiến hành đánh giá cảm quan một số loại dược liệu đang sản xuất trên địa bàn thành phố. Kết quả, trong 28 loại dược liệu được đánh giá về chất lượng thì có 13 loại lúc thu hoạch tươi đạt chất lượng tốt, 15 loại đạt chất lượng khá và trung bình. Những loại dược liệu đạt chất lượng tốt lúc thu hoạch tươi đều là những nguồn gen cây dược liệu phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng đất đai tại vùng sản xuất hoặc được sản xuất tại các hộ nông dân đã đạt trình độ thâm canh cao, có hướng dẫn kỹ thuật của doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm...

Nói về thị trường tiêu thụ dược liệu trên địa bàn, bà Hoàng Thị Hòa cho biết, phần lớn dược liệu được trồng tại các vườn của hộ gia đình hoặc trên đồng ruộng bán trực tiếp cho người tiêu dùng, chiếm khoảng 4,8% sản lượng. Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn ở xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) Nguyễn Thanh Tuyền, người tiêu dùng mua tại vườn, đó là các cá nhân, tổ chức có nhu cầu mua làm nguyên liệu chế biến thuốc họ thường lựa chọn khá kỹ, đòi hỏi chất lượng cao. Ở kênh phân phối này, hộ trồng dược liệu trực tiếp là người phân loại chất lượng. Còn kênh tiêu thụ thứ hai là người sản xuất bán nguyên liệu cho các doanh nghiệp để chế biến, kênh này chiếm 95,2% sản lượng. Trên địa bàn thành phố Hà Nội có một số đơn vị đang hoạt động tốt kênh tiêu thụ này, như: Tập đoàn Y dược Bảo Long (huyện Ba Vì), Công ty TNHH Tư vấn xây dựng thương mại P&T (huyện Quốc Oai), Công ty TNHH Tuệ Linh, Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn)…

Bảo tồn, phát huy lợi thế

Hiệu quả kinh tế từ trồng cây dược liệu khá rõ nét, đây là hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Tuy vậy, việc phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn thành phố vẫn gặp một số khó khăn. Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, việc trồng cây dược liệu ở nhiều địa phương của Hà Nội còn mang tính manh mún, tự phát, chưa quy hoạch được các vùng sản xuất tập trung; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất còn hạn chế. Kỹ thuật trồng trọt chủ yếu theo kinh nghiệm của người dân, đặc biệt là trong việc cung ứng giống dược liệu; kỹ thuật thu hái, bảo quản dược liệu còn rất nhiều hạn chế. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong canh tác dược liệu; sơ chế dược liệu còn chưa được quan tâm nhiều. Thị trường tiêu thụ giàu tiềm năng nhưng chưa được khai thác và quản lý đầy đủ nên chưa phát huy được hiệu quả. Các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thiếu chặt chẽ, tự phát là chính nên khó mở rộng và phát triển.

Căn cứ tiềm năng, Sở NN&PTNT vừa dự kiến kế hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn thành phố đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, sẽ hình thành và phát triển các vùng chuyên canh tập trung quy mô 600 - 1.000ha vào năm 2015 và 1.500 - 2.000ha vào năm 2030; phấn đấu đưa thu nhập trên 1ha trồng cây dược liệu đạt 300-500 triệu đồng/ha/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho hay, Sở NN&PTNT sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, ưu tiên chọn những giống dược liệu là giống bản địa, các giống phù hợp với tập quán canh tác lâu đời của địa phương; các giống có tác dụng sinh học độc đáo và đặc trưng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển các giống phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng sản xuất và có giá trị kinh tế. Tiếp tục sưu tầm, nhập nội để chọn tạo các giống mới có tác dụng sinh học độc đáo và giá trị kinh tế cao để mở rộng phát triển. Hỗ trợ hình thành các vùng chuyên canh tập trung để trồng cây dược liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO tại các vùng có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với quy mô đạt 400ha vào năm 2025 và 1.000ha vào năm 2030.

“Song song xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp dược có thế mạnh để liên kết cùng nông dân trong phát triển cây dược liệu, Sở NN&PTNT cũng sẽ xem xét hỗ trợ phát triển sản giống dược liệu, gồm: Hỗ trợ hình thành một số cơ sở sản xuất giống cây dược liệu thương phẩm để Hà Nội trở thành nơi cung cấp giống dược liệu thương phẩm chất lượng cao cho vùng đồng bằng sông Hồng; xây dựng vườn giống gốc cây dược liệu để phục vụ công tác chọn tạo giống, phát triển nhân giống; sưu tầm để bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý trong phạm vi cả nước và nhập nội nguồn gen…”, ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 12451
Tổng lượng truy cập: 25435431