Huyện Sóc Sơn: Nâng giá trị nông nghiệp từ chuyển đổi đất trồng lúa

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, trong những năm qua, huyện Sóc Sơn đã chủ động xây dựng kế hoạch, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa. Hiệu quả mang lại đến nay là rất tích cực.

Thống kê cho thấy, từ năm 2017 - 2020, huyện Sóc Sơn đã thực hiện việc chuyển đổi hơn 528ha diện tích đất trồng lúa. Trong đó, diện tích đất trồng lúa hai vụ là gần 388ha, còn lại là đất trồng lúa 1 vụ. Diện tích thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hầu hết là đất trồng lúa kém hiệu quả, gặp khó khăn về hệ thống tưới tiêu, hiệu quả kinh tế thấp. Đó cũng là những diện tích đất trồng lúa đã thực hiện dồn điền đổi thửa cần phải cải tạo lại mặt bằng phục vụ cho sản xuất.

Trên cơ sở công tác chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017 - 2020, đã dần hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh tập trung: Vùng trồng rau hữu cơ – rau an toàn VietGAP, rau công nghệ cao với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Thanh Xuân, Tân Dân, Hiền Ninh…; vùng trồng cây ăn quả với quy mô từ 5ha trở lên tại các xã: Phú Cường, Phú Minh, Nam Sơn…; vùng trồng cây dược liệu, thảo dược với quy mô từ 2ha trở lên tại các xã: Bắc Sơn, Minh Trí, Xuân Giang…

Mô hình trồng hoa nhài tại xã Đông Xuân (huyện Sóc Sơn) mang lại giá trị kinh tế cao
 

Người dân đã đầu tư khoa học kỹ thuật, áp dụng quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hệ số sử dụng đất. Nhờ đó, giá trị trung bình các loại hình chuyển đổi/ha canh tác đạt 330 triệu – 1,2 tỷ/ha, góp phần quan trọng nâng cao thu nhập cho nông dân.

Dù công tác chuyển đổi đã đạt được nhiều kết quả ban đầu tích cực, tuy nhiên, Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng nhìn nhận, công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn huyện còn diễn ra chậm. Nguyên nhân là do tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động từ ngành sản xuất nông nghiệp sang các ngành nghề, dịch vụ khác trên địa bàn huyện diễn ra nhanh.

Công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa trong giai đoạn 2017 - 2020 còn mang tính tự phát, chưa tập trung, quy mô nhỏ. Cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Một số xã trên địa bàn huyện còn chưa thực sự quan tâm đến công tác chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh cao dẫn đến diện tích canh tác lúa kém hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn huyện còn nhiều.

Trên cơ sở đánh giá hiện trạng, cũng như yêu cầu về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND huyện Sóc Sơn đăng ký kế hoạch chuyển đổi khoảng 1.615ha đất trồng lúa trong giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, sẽ tập trung chuyển đổi sang canh tác rau màu, hoa, cây cảnh, cây dược liệu và nuôi trồng thủy sản.

Để thực hiện được mục tiêu trên, UBND huyện Sóc Sơn kiến nghị HĐND - UBND TP Hà Nội sớm ban hành chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành chính sách và triển khai các giải pháp hỗ trợ cho các vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của TP Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Trước mắt là cho các hạng mục đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng, hệ thống điện, cơ sở sơ chế, chế biến các sản phẩm trong vùng chuyển đổi trên đất trồng lúa…

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 12505
Tổng lượng truy cập: 25435431