Ngồi trong căn nhà tạm, phía trước là những cây bưởi xanh sai trĩu quả, anh Phùng Văn Hà ở thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ, Hà Nội) hãnh diện khoe: “Vườn bưởi nhà tôi đã được 14 năm. Mùa thu hoạch, khách buôn, khách lẻ về tận nơi mua, thậm chí còn không có bưởi mà bán vì khách đã đặt từ 2-3 tháng trước, bao tiêu cả trăm cây”.
Anh Hà tâm sự, anh từng học hệ tại chức của Đại học Lâm nghiệp. Do cuộc sống khó khăn, học được 1 kỳ, anh xin nghỉ về trồng rau màu, đi làm thuê kiếm thêm trang trải qua ngày. Năm 2006, anh bắt đầu trồng gần 1 sào bưởi Diễn, khoảng 20 gốc ở đất vườn nhà.
Tích cóp được một khoản tiền, năm 2008, anh Hà tiếp tục đi học trở lại. Không quản ngại khó khăn, vừa học anh vừa tranh thủ đi bán kem để có thêm thu nhập. Nắng cũng như mưa, có ngày hàng về nhiều, kem bị “non”, mang đi giao nhưng khách không lấy, anh phải đổ bỏ nửa thùng, lỗ cả triệu đồng.
“Giờ nghe nói mấy triệu là bình thường, nhưng hồi ấy hoàn cảnh mình không có nên mất tiền triệu xót lắm, làm bao giờ cho bù lại được cho tiền ấy”, anh Hà chia sẻ.
“Những năm đầu tuy đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng vườn bưởi nhà tôi vẫn không đậu quả. Trung bình mỗi cây chỉ thu được 3-5 quả. Bao nhiêu tiền vốn tích cóp, tiền cắm sổ đỏ, tiền vay mượn đều đổ hết vào vườn bưởi vẫn không ăn thua. Tôi chán nản, không biết xoay xở đâu để trả nợ”, anh Hà kể.
Không thu hoạch được gì từ vườn bưởi mình trồng, khó khăn chồng chất nên suốt khoảng thời gian ấy, anh phải thức khuya dậy sớm làm vườn, trồng thêm rau màu trang trải cuộc sống. Nhiều lúc túng thiếu, anh phải đi xin từng quả trứng, lon gạo. Ai có công việc gì thuê mướn anh đều nhận làm, mong kiếm được đôi ba trăm ngàn cầm cự cho qua ngày.
Thật ra ngày ấy cũng là làm liều. Bởi bỏ cả trăm triệu vào vườn bưởi, chưa biết có thu được hay không, thất bại thì lấy đâu trả nợ. Người thân, bạn bè đều khuyên anh bỏ không trồng bưởi nữa.
Thế là anh cắp sách vở đi khắp các vùng Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Diễn,... học hỏi kinh nghiệm của người nông dân trồng bưởi. Từ thất bại của mình, dần dần anh Hà nhận ra rằng yếu tố tự nhiên như đất đai hay thời tiết không phải là quyết định, mà chính kĩ thuật thụ phấn ảnh hưởng trực tiếp quá trình đậu quả của cây. Từ đó, anh áp dụng phương pháp mới, “ép” cây cho quả.
Sau khi thay đổi quy trình thụ phấn cho cây, vườn bưởi cho lứa quả sai trĩu đầu tiên. Được anh em, bạn bè tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ, anh Hà thuê thêm diện tích các hộ trồng bưởi xung quanh để thụ phấn, tạo quả cho vụ mới.
Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm với các hộ trồng bưởi trong vùng, giúp họ tăng sản lượng và chất lượng quả, cải thiện đời sống.
Những năm gần đây, vườn bưởi nhà anh cho thu hoạch gấp gần 30 lần so với trước. Quả bưởi ngày càng ngọt thơm, mẫu mã đẹp, chất lượng đồng đều nên bán được giá cao.
“Sau nhiều lần mở rộng diện tích, đến nay tôi có 7ha trồng bưởi (khoảng 2.400 gốc) đang cho thu hoạch. Cây đều 15 năm tuổi, trung bình mỗi cây cho 70-100 quả mỗi năm. Vườn bưởi nhà tôi năm nay cho thu khoảng 15 vạn quả”, anh Hà nói.
Nhớ lại quãng thời gian phải đi đếm “mót” từng quả, anh Hà phấn khởi khi gần đây, vào mùa thụ phấn hay thu hoạch, anh phải thuê thêm 50 người phụ giúp, dùng ô tô đi chăm bón, kiểm tra mỗi khu vườn.
Bưởi ngon loại 1 anh bán giá 35.000-40.000 đồng/quả, thường để dành cho khách VIP vì họ yêu cầu khắt khe về mẫu mã và chất lượng. Bưởi loại 2 có giá dao động 15.000-25.000 đồng/quả tùy loại.
Anh Hà tiết lộ, giá cả tùy thuộc vào mỗi vụ, nhưng bán đến đâu là có tiền tươi trong tay luôn đến đó. Tính ra mỗi năm anh thu khoảng 2 tỷ từ vườn bưởi Diễn của mình. Trừ đi chi phí, anh lãi khoảng 1,3-1,4 tỷ đồng. “Nhờ vườn bưởi này mà cuộc sống của tôi giờ ổn định, khá giả hơn trước rất nhiều”, anh khiêm tốn nói.
Hiện nay, ngoài 7ha bưởi đang cho thu hoạch, 2,3ha chuyên làm cây bưởi giống anh Hà còn có 4ha trồng hoa quả, rau màu như: dưa lê, thiên lý, các loại rau rừng đặc sản.
Nhật Thanh (Vietnamnet)