Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu đưa diện tích mạ khay, cấy máy lên 10%
Ngày 21-7, tại huyện Phú Xuyên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển sản xuất mạ khay, cấy máy trên địa bàn thành phố với sự tham gia của đại diện các hợp tác xã, lãnh đạo các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố.

 

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mặc dù hiệu quả từ áp dụng cơ giới hóa khâu gieo, cấy rất cao (chỉ tính riêng chi phí khâu gieo mạ khay, cấy máy so với phương pháp truyền thống giảm từ 4 đến 5,4 triệu đồng/ha), nhưng số diện tích áp dụng còn hạn chế. Hiện, toàn thành phố có 330 máy cấy, diện tích lúa được cấy bằng máy chỉ đạt khoảng 5.000ha, chiếm 2,73% diện tích cấy lúa. Năm 2021, Hà Nội đặt mục tiêu đưa diện tích mạ khay, cấy máy lên 10%.

Tại hội thảo, chia sẻ về kinh nghiệm đưa mạ khay, cấy máy thành công tại địa phương, ông Nguyễn Khắc Đức, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Triều (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên) cho hay, giai đoạn đầu việc đưa cấy máy áp dụng trong sản xuất lúa tại địa phương gặp nhiều khó khăn, chỉ đạt từ 10-15% diện tích toàn xã. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng hỗ trợ tích cực của thành phố và huyện, đến nay, toàn xã đã có 45 máy cấy, diện tích cấy máy đạt 90%…

Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn trong khâu sản xuất mạ khay, từ năm 2014 đến 2019, trung tâm đã hỗ trợ 17 dây chuyền gieo mạ khay tự động. Thời gian tới, ngoài các nguồn hỗ trợ theo quy định, nông dân, hợp tác xã có thể dễ dàng tiếp cận vay vốn cơ giới hóa ưu đãi thông qua nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông…

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Cơ giới hóa trong trồng lúa nhất là ở khâu mạ khay, cấy máy sẽ giải phóng được lượng lớn lao động trong nông nghiệp, đặc biệt vào thời điểm thời tiết bất lợi cho sức khỏe con người như rét, nắng nóng khắc nghiệt; một yếu tố tích cực nữa là góp phần giải quyết tình trạng ruộng bỏ hoang...

Tuy nhiên, việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa nói chung và khâu mạ khay, cấy máy nói riêng đang gặp không ít rào cản do đất canh tác của Hà Nội nhỏ lẻ, manh mún; nhiều địa phương còn lúng túng trong khâu làm mạ khay; do đặc thù sử dụng theo thời vụ, nếu không bảo dưỡng, bảo quản tốt, máy móc làm mạ khay, máy cấy dễ hư hỏng...

Để tăng diện tích mạ khay, cấy máy, các ý kiến tại hội thảo đề nghị các địa phương cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền kết hợp tổ chức các chuyến tham quan, học tập nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở và người nông dân; tăng cường công tác tập huấn đào tạo chuyên môn về vận hành và bảo dưỡng, sửa chữa máy, thiết bị nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề ở các cơ sở...

Đặc biệt, thành phố và các địa phương tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và hộ gia đình làm dịch vụ cơ giới hóa; ban hành chính sách hỗ trợ linh hoạt, khuyến khích phát triển cơ giới hóa theo đặc thù từng địa phương, tăng mức hỗ trợ trực tiếp để khuyến khích người dân mua máy tốt, máy có công suất lớn, đáp ứng được tính khẩn trương của thời vụ...

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 12014
Tổng lượng truy cập: 25435431