Chăm sóc rau an toàn tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức. |
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, vụ Xuân 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh, toàn TP chỉ gieo trồng được 9.163,8ha rau các loại (đạt 88% kế hoạch) với sản lượng ước đạt 181.000 tấn, giảm 18.000 tấn so với vụ Xuân 2019. Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, phấn đấu mở rộng diện tích vụ Mùa và tập trung sản xuất lương thực, thực phẩm thiết yếu, kế hoạch vụ Mùa 2020 đã được Sở NN&PTNT điều chỉnh theo hướng tăng diện tích các loại rau, củ quả giá trị cao. |
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương cho biết, hiện, sản lượng rau các loại của Hà Nội mới đáp ứng được 70% nhu cầu của người dân, trong đó có nhiều loại rau củ, chất lượng cao phải nhập từ các tỉnh, thành khác. Do đó, nếu tăng được diện tích, giữ vững năng suất, nông dân sẽ có thêm thu nhập, bù vào những thiệt hại do dịch bệnh thời gian qua. Tuy nhiên, việc sản xuất rau màu vụ Mùa đang là thách thức lớn đối với Hà Nội vì thời tiết nắng nóng, dễ phát sinh sâu bệnh hại, chưa kể mưa lớn gây ngập úng cục bộ.
Cùng với việc duy trì diện tích rau màu đang có, vụ Mùa 2020, Sở NN&PTNT khuyến khích nông dân tiếp tục áp dụng các mô hình sản xuất an toàn VietGAP, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, yêu cầu các địa phương tích cực chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất xen kẹt bỏ hoang để mở rộng sản xuất. Đơn cử như huyện Phúc Thọ, các mô hình trồng rau màu trong nhà kính, nhà lưới, màng che phủ trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ khó khăn về thủy lợi nội đồng, để ngay trong vụ Mùa này, các xã sẽ chuyển đổi 203ha lúa kém hiệu quả sang các cây trồng giá trị cao.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại khẳng định, để mở rộng quy mô sản xuất, các địa phương cần tích cực hỗ trợ DN, hợp tác xã trong việc thuê, thầu, mượn ruộng, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Mặt khác, cùng với việc tạo ra một khối lượng nông sản hàng hóa lớn, các địa phương cần quan tâm đến việc hỗ trợ thiết lập, xây dựng các cơ sở thu mua tạo thuận lợi đầu ra cho sản phẩm. Để bảo đảm năng suất và chất lượng, Sở cũng khuyến cáo nông dân nên sử dụng nhiều giống lai F1 có thời gian sinh trưởng ngắn, chịu nóng, chịu mưa, chống chịu sâu bệnh tốt, phù hợp trình độ canh tác và điều kiện đất đai của địa phương.