Đổi thay nhờ cây trồng giá trị cao
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, những năm qua, nông dân huyện Thanh Oai đã đưa cây trồng có chất lượng, giá trị cao vào sản xuất. Từ những mô hình nhỏ ban đầu, đến nay nhiều vùng chuyên canh chất lượng cao đã hình thành trên địa bàn huyện, giúp nông dân nâng cao thu nhập…

 
Thu hoạch cam Canh tại xã Kim An (huyện Thanh Oai). Ảnh: Giang Sơn

Vừa chăm sóc vườn dưa lưới trong nhà kính, ông Nguyễn Huy Nhất - chủ mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao đầu tiên tại xã Thanh Cao (huyện Thanh Oai) vừa trò chuyện với chúng tôi: “Năm 2018, tôi mạnh dạn vay vốn và đầu tư hơn 600 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính với quy mô 1.000m2. Qua vài vụ thu hoạch, tôi thấy mô hình này cho thu nhập gấp 5 lần so với trồng lúa, trung bình lãi hơn 400 triệu đồng/năm. Tới đây, tôi tiếp tục mở rộng mô hình lên 2.000m2...”.

Tương tự, ngoài phát triển cây ăn quả đặc sản: Cam Canh, ổi Đài Loan... nông dân xã Kim An còn xây dựng vùng sản xuất rau an toàn với diện tích gần 70ha. Theo Chủ tịch UBND xã Kim An Đoàn Văn Huỳnh, nhờ tích cực chuyển đổi, đến nay Kim An hình thành hơn 210ha nhóm cây trồng có giá trị kinh tế cao. Trong đó, vùng trồng cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đài Loan cho hiệu quả kinh tế từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; vùng rau an toàn 300-350 triệu đồng/ha/năm…

Không riêng Thanh Cao, Kim An… những năm qua, nhiều xã trên địa bàn huyện Thanh Oai đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những cây trồng có giá trị cao vào sản xuất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn cho hay: Đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được gần 1.500ha, trong đó, nhóm cây rau màu đã chuyển đổi hơn 141,99ha; cây ăn quả gần 430ha...

Ngoài diện tích chuyển đổi nêu trên, tại những ruộng trồng lúa, nông dân Thanh Oai đã chuyển từ giống lúa truyền thống sang các giống lúa chất lượng cao. Hiện, mỗi năm, Thanh Oai duy trì hiệu quả hai vụ lúa chất lượng cao và trở thành vùng trồng lúa chất lượng cao lớn nhất Hà Nội (trên 10.000ha).

Đáng ghi nhận, dù diện tích chuyển đổi sang các nhóm cây trồng giá trị không lớn song các mô hình này đều cho giá trị kinh tế khá bởi được ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, như mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Tam Hưng, qua đó, xây dựng thành công chuỗi liên kết gạo thơm Bối Khê từ sản xuất đến sơ chế và tiêu thụ sản phẩm tại xã; mô hình trồng hoa lan nhân cấy mô tại xã Thanh Cao (diện tích 2.200m2); mô hình trồng hoa lan hồ điệp tại xã Mỹ Hưng (2.500m2); mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Dân Hòa, Hồng Dương (11ha)... Các mô hình đều đạt giá trị từ 300 triệu đồng đến 2 tỷ đồng/ha/năm.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, để đẩy mạnh khôi phục kinh tế - xã hội, năm 2020, đối với nhóm cây trồng, Thanh Oai sẽ mở rộng thêm khoảng 40ha rau an toàn tại các xã: Thanh Cao, Xuân Dương, Bình Minh và thị trấn Kim Bài; tiếp tục mở rộng 50ha trồng cây ăn quả tập trung tại các xã: Thanh Cao, Cao Viên, Thanh Mai… Để đạt mục tiêu đó, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ quy hoạch sản xuất và kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, xây dựng đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất nông nghiệp với các mô hình phù hợp thực tế địa phương.

“UBND huyện có kế hoạch hỗ trợ xây dựng giao thông, thủy lợi nội đồng, đường điện đối với những vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện đề án cơ giới hóa hỗ trợ các hợp tác xã mua máy móc phục vụ sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản... cho xã, vùng chuyên canh...”, ông Nguyễn Trọng Khiển khẳng định.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 19389
Tổng lượng truy cập: 25453877