Những ngày này, trên khắp cánh đồng xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) người dân nô nức đi gặt. Đánh giá năng suất trà xuân sớm trên địa bàn, bà Đặng Thị Tươi, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa thông tin: Huyện Ứng Hòa có 3.047ha lúa xuân sớm với các giống chất lượng cao, toàn huyện đã thu hoạch xong trà lúa xuân sớm trước ngày 23-5, năng suất đạt khoảng 62,1 tạ/ha. Tiến độ thu hoạch trên địa bàn huyện khá nhanh do người dân thuê máy gặt đập liên hợp; diện tích lúa còn lại ở những chân ruộng trũng, máy không vào được, người dân chủ động gặt tay.
Tại huyện Ba Vì, ông Đào Văn Hồng ở thôn Mai Trai (xã Vạn Thắng) cho biết: "Theo kinh nghiệm, lúa xuân chín gặp mưa gió dễ rụng. Trong khi đó, thời tiết những ngày này có đôi chút bất lợi nên gia đình tôi đã huy động nhân lực thu hoạch xong diện tích vụ xuân. Vụ mùa tới, gia đình tôi chỉ cấy 50% diện tích, còn lại là thả cá". Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Ba Vì Hứa Bá Trình, đến nay, trên địa bàn huyện cơ bản thu hoạch xong trà lúa xuân sớm, năng suất đạt khoảng 64 tạ/ha.
Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Nguyễn Huy Chiến cho biết, vụ xuân năm nay, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện là 5.600ha, trong đó, toàn huyện có gần 500ha lúa xuân sớm tránh lũ tiểu mãn, khu vực ngoài đê đã thu hoạch. Với tinh thần đẩy mạnh thu hoạch lúa xuân sớm, “xanh nhà hơn già đồng” để tránh lũ tiểu mãn khu vực ngoài đê đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Thuận lợi nhất là có tới 90% diện tích lúa xuân sớm của huyện được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp và với thời tiết nắng ráo, thu hoạch tới đâu bảo quản tốt tới đó.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Hà Nội Lê Xuân Trường: Sở dĩ Hà Nội có trà xuân sớm là do một số địa phương (các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, Phúc Thọ và thị xã Sơn Tây) nằm ven sông Tích có một phần diện tích gieo cấy thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ tiểu mãn, dễ gây úng ngập nên nông dân cấy sớm để tránh thiệt hại. Mặt khác, một số huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Mỹ Đức... nông dân muốn thời gian gieo trồng dài ngày hơn để lúa đạt chất lượng tốt nhất, nên các huyện đều bố trí 10-30% diện tích trà sớm trong cơ cấu mùa vụ.
Ông Lê Xuân Trường cũng cho hay, lúa trà xuân sớm của Hà Nội năm nay gặp một số bất lợi do giai đoạn trổ bông gặp mưa phùn, gió bấc, thời tiết rét, âm u. Mặc dù vậy, các địa phương đã nỗ lực phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cơ bản đều đạt năng suất như dự kiến (hơn 60 tạ/ha), góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của vụ xuân 2020. Hiện nay, 100% diện tích lúa trà xuân sớm của Hà Nội đã thu hoạch xong; và các địa phương đang khẩn trương chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho sản xuất vụ mùa như: Khơi thông kênh mương nội đồng, khoanh vùng trũng thấp, sẵn sàng tiêu úng nhanh nếu gặp mưa lớn…
Hiện diện tích lúa chất lượng cao (J01, J02, TBR225, QR15) và một số giống lúa đặc sản (Bắc thơm số 7, HT1, HDT8, nếp...) trên địa bàn huyện Chương Mỹ đã đạt 5.680ha, chiếm 63,4% diện tích trồng lúa của huyện. Nhờ vậy, vụ xuân 2020, năng suất lúa của huyện Chương Mỹ ước đạt 65,3 tạ/ha; sản lượng ước đạt 58.510 tấn.