Là vùng rau nổi tiếng của huyện Gia Lâm, đất đai màu mỡ, nên rau Văn Đức có độ ngọt cao, đậm đà hơn rau các vùng khác. Ngoài ra, Văn Đức đã canh tác rau VietGAP từ nhiều năm nay, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, có sổ ghi chép nhật ký hằng ngày nên đầu ra của sản phẩm rau, củ Văn Đức khá thuận lợi. Bà Đinh Thị Duyên ở thôn Trung Quan (xã Văn Đức) cho biết, gia đình bà có 1,3 mẫu rau an toàn, trong đó có 50% đã đạt tiêu chuẩn VietGAP, gồm: Bắp cải trắng, cải thảo, lơ xanh, cà chua, đậu đỗ các loại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mỗi năm gia đình bà thông qua hợp tác xã đã xuất khẩu rau vụ đông sang Hàn Quốc khoảng 10-12 tấn, trong đó chủ yếu là cải thảo (7-8 tấn/năm).
Ở huyện Gia Lâm, đến nay, có nhiều loại rau mẫn cảm cao với sâu bệnh, rau trồng trái vụ (cải canh, cải ngọt, đậu đũa, rau ngót…) được nông dân trồng nhiều trong nhà màng, nhà lưới. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Yên Viên Ngô Duy Hưng cho biết, trong năm qua, Hợp tác xã đã tổ chức nhiều buổi tập huấn, đưa giống mới, phổ biến tiến bộ kỹ thuật, phương thức sản xuất rau an toàn cho nông dân. Để sản xuất rau an toàn, nông dân trên địa bàn xã Yên Viên được tập huấn thường xuyên qua các lớp học đồng ruộng, tiếp thu khoa học kỹ thuật canh tác mới, sử dụng phân bón đúng kỹ thuật.
Đặc biệt, xã khuyến khích nông dân sử dụng phân hữu cơ vi sinh như: Phân trùn quế, phân gà hữu cơ, khô đậu tương cho rau và các loại thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc. Ngoài các chương trình tập huấn, hỗ trợ trực tiếp của hợp tác xã, nông dân trồng rau trên địa bàn xã còn được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội tổ chức tập huấn kiến thức, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Đến nay, tổng diện tích sản xuất rau an toàn của huyện Gia Lâm khoảng 380ha, duy trì ổn định diện tích canh tác rau tại vùng đủ điều kiện sản xuất rau an toàn tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Lệ Chi, Yên Thường, Yên Viên. Huyện duy trì và thành lập mới các tổ, nhóm nông dân quản lý, ghi chép nhật ký; mỗi nhóm có từ 10 đến 20 hộ nông dân thực hiện nhiệm vụ quản lý, ghi chép, giám sát quy trình sản xuất rau an toàn tại các vùng chuyên canh đủ điều kiện sản xuất rau an toàn.
Ngoài ra, huyện cũng có nhiều chính sách hỗ trợ cho các vùng rau chuyên canh như: Đầu tư xây dựng kiên cố hóa đường giao thông, thủy lợi nội đồng, đường điện, cải tạo hồ tích thủy, xây dựng nhà tập kết, sơ chế; hỗ trợ 100% kinh phí cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn cho các vùng chuyên canh; hỗ trợ 50% giá giống, vật liệu thực hiện mô hình vòm che ni lông rau trái vụ; hỗ trợ 100 triệu đồng/mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; hỗ trợ 30% kinh phí xây dựng nhà màng, nhà kính, nhà lưới (không quá 300 triệu đồng/mô hình) tại vùng chuyên canh rau an toàn.
Là vựa rau an toàn của Hà Nội, trong nhiều năm qua, huyện Gia Lâm luôn được các cơ quan, đơn vị như Viện Nghiên cứu rau quả, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, các cấp, các ngành chức năng của thành phố Hà Nội quan tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và trình diễn mô hình thâm canh rau VietGAP. Hiện, nhiều xã xuất hiện những công nhân lao động lành nghề trong nông nghiệp, trình độ canh tác rau được nâng cao; ý thức trồng rau bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân cũng đã thành nền nếp.
"Trước bối cảnh tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh và mạnh, để phát huy giá trị sản phẩm nông nghiệp, Gia Lâm ưu tiên cho các vùng rau của huyện được chuyển giao kỹ thuật, đầu tư mạnh theo hướng công nghệ cao” - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần chia sẻ.