Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa
Vụ xuân năm 2020, Hà Nội gieo cấy hơn 87.000ha lúa và đến nay, trên 50% diện tích lúa đang trổ bông, phơi màu. Đây là thời điểm quyết định đến sản lượng, năng suất, chất lượng lúa toàn vụ nên các địa phương đang tích cực chủ động chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại với mục tiêu giành thắng lợi trong mùa gặt sắp tới...

Tại cánh đồng Nẩy thuộc thôn Tư Sản (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên), phần lớn lúa đang trổ bông và uốn câu, nông dân đang tập trung chăm sóc, bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa. Ông Trần Văn Thái ở thôn Tư Sản chia sẻ: “Vụ xuân này, gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu lúa, trong đó gần 90% diện tích là giống Bắc thơm và Khang dân. Để năng suất đạt ít nhất 66tạ/ha, gia đình tôi thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn, nếu bùng phát sẽ kịp thời phòng trừ”.

Tại huyện Thường Tín, 4.366ha lúa vụ xuân năm nay của huyện gồm các giống chủ lực: Thiên ưu 8, TBR225; Bắc thơm số 7, Bắc thơm kháng bạc lá, HDT10. Thường Tín đặt mục tiêu năng suất lúa đạt trên 64tạ/ha. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Uông Thị Phượng, sản xuất vụ xuân năm nay diễn ra trong điều kiện thời tiết mưa nhiều, độ ẩm cao, là môi trường thuận lợi cho các loại sâu bệnh xuất hiện, gây hại trên cây trồng. Ngoài tập trung diệt ốc bươu vàng, đánh bắt chuột (hơn 54.200 con chuột đã bị diệt) đến nay, nông dân và các đơn vị liên quan đang tập trung phòng trừ bệnh đạo ôn, bạc lá cuối vụ để không ảnh hưởng đến năng suất vụ xuân.

Tương tự, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Hoàng Văn Thám cho biết, để hạn chế thấp nhất khả năng gây hại của các loại sâu bệnh, huyện đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, sâu bệnh, kịp thời hướng dẫn bà con biện pháp phòng, trừ hiệu quả…

Theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, trên các trà lúa của Hà Nội đã xuất hiện một số sâu bệnh gây hại. Cụ thể, toàn thành phố có gần 1.000ha lúa bị bệnh đạo ôn lá trung bình 0,4%-1,5%, nơi cao 4%-6%, cục bộ có nơi trên 10% lá bị hại; bệnh khô vằn gây hại trung bình 3%, nơi cao 5%-10%, cục bộ có nơi bị 20%-30%... Tỷ lệ lúa nhiễm bệnh cao hơn cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, xuất hiện bệnh rầy nâu gây hại với mật độ thấp.

Nhận định tình hình dịch hại từ nay đến cuối vụ, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương khuyến cáo: Thời điểm này, nông dân không nên chủ quan, khi phát hiện ổ bệnh đạo ôn hại lúa, bà con cần dừng bón phân đạm và sử dụng một trong các loại thuốc sau để phun trừ: Kasai16.2SC; 21.2WP; Katana20SC; lúa vàng 20WP; Starsuper20SL; 60WP… Đối với bệnh khô vằn, bà con cần phun trừ bằng một trong các loại thuốc: Validacin5SL; Saizole5SC… Tuy nhiên, cần phun đúng liều lượng, nồng độ theo hướng dẫn trên bao bì; sau khi phun thuốc 5-7 ngày, nếu bệnh chưa dừng cần phun lại.

Định hướng để vụ xuân thắng lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại khẳng định: Hiện tại là giai đoạn quan trọng, có tính quyết định tới sản lượng, năng suất, chất lượng lúa. Do vậy, nông dân cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các sâu bệnh hại lúa. Qua đó chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ, kiên quyết không để bệnh phát triển thành dịch và lây lan diện rộng; đặc biệt, nông dân lưu ý đối tượng bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, rầy nâu… Nông dân cũng cần sử dụng nước tưới hiệu quả, tiết kiệm, tránh lãng phí. Ngoài ra, thời điểm chuyển từ vụ xuân sang vụ mùa diễn ra trong thời gian ngắn nên ngành Nông nghiệp đề nghị, đối với hơn 14.000ha lúa xuân trà sớm đang chắc hạt, khi lúa chín, nông dân khẩn trương thu hoạch nhanh gọn với phương châm “thu hoạch đến đâu làm đất đến đó” nhằm phục vụ sản xuất vụ mùa trong khung thời vụ tốt nhất.

Báo Hà Nội mới

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 19348
Tổng lượng truy cập: 25453877