Sau Tết Canh Tý 2020, bà con nông dân tại những nhà vườn quất cảnh thuộc huyện Đông Anh lại hối hả bắt tay vào sản xuất vụ mới với nhiều kỳ vọng.
Nông dân xã Tiên Dương di chuyển những gốc quất cảnh phục vụ làm đất canh tác vụ mới. Ảnh: Trọng Tùng |
|
Tất bật làm đất, trồng cây mới
Vùng bãi ven sông Hồng thuộc địa phận xã Tàm Xá (huyện Đông Anh) - một trong những nhà vườn quất cảnh lớn nhất của Hà Nội những ngày qua giống như một “đại công trường”. Người dân nơi đây tất bật với việc “hồi sinh” cho quất cảnh sau Tết. Anh Hoàng Viết Thính (xã Tàm Xá) cho biết, những cây quất cảnh chưa tiêu thụ trong Tết được bà con đánh gốc, di chuyển đến vị trí khác để làm đất sản xuất vụ mới. Đây là những gốc quất cảnh đã không trổ đúng dịp Tết Canh Tý hoặc cây có thế không đẹp, khó tiêu thụ… Đáng chú ý, có những gốc quất cảnh có thế đẹp nhưng vẫn không tiêu thụ được, do bị trả giá quá thấp. “Đối với những cây quất đẹp nhưng bán không được giá, bà con thường giữ lại cho vụ sau để không phải đi mua giống mới” – anh Thính cho hay.
Huyện Đông Anh đang nỗ lực phát triển khu vực phía Tây thành nhà vườn cây cảnh của Hà Nội, với quất cảnh là cây trồng chủ đạo, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô và cả nước. Quan trọng hơn là giúp người nông dân sống được bằng nông nghiệp trong quá trình đô thị hóa. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng |
Nhiều gốc quất cảnh cũng được nông dân lặn lội chạy xe vào nội đô để thu mua sau khi các gia đình đã chơi Tết xong, với giá từ 50.000 đồng/cây trở lên. Cá biệt có những gốc quất cảnh đẹp, bà con phải mua lại với giá từ 200.000 – 300.000 đồng…
Cùng với người trồng quất cảnh xã Tàm Xá, bà con nông dân các xã khác như Tiên Dương, Vĩnh Ngọc, Kim Nỗ, Uy Nỗ cũng tất bật làm đất để trồng vụ mới. Máy xúc được thuê để xới xáo đất. Bà con tiến hành rắc vôi bột trên nền đất cũ để khử độc, tiêu diệt và ngăn chặn mầm bệnh. Nhiều hộ còn mua đất từ vùng bãi ven sông Hồng về thay thế nền đất cũ để trồng quất cảnh. Theo chị Nguyễn Thị Hân, một hộ trồng quất cảnh tại xã Tiên Dương, đất vùng bãi ven sông màu mỡ giúp quất cảnh sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
Cây trồng chủ lực
Theo chia sẻ của nhiều người trồng quất cảnh tại huyện Đông Anh, vụ Tết vừa qua, giá bán quất cảnh không cao bằng năm 2019, tuy nhiên vẫn mang lại một cái Tết đủ đầy hơn cho bà con nông dân. Bởi vậy, ngay sau kỳ nghỉ Tết, người trồng quất đã bắt tay vào “hồi sinh” cho quất cảnh, với mong ước về một vụ cây cảnh Tết 2021 bội thu.
Thực tế, từ khi được đưa vào trồng thay thế cây lúa và hoa màu, cây cảnh nói chung, quất cảnh nói riêng đã mang lại giá trị kinh tế rất lớn cho nông dân các địa phương trên địa bàn huyện Đông Anh, hiện đạt bình quân trên 1,5 tỷ đồng/ha/năm. Cây quất cảnh đã trở thành nguồn sinh kế quan trọng, giúp tăng thu nhập, từng bước cải thiện đời sống cho một bộ phận không nhỏ người nông dân. Qua đó, góp phần đưa huyện Đông Anh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2015.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng cho biết, trong bối cảnh phát triển đô thị mạnh mẽ hiện nay, địa phương xác định cây cảnh, với trọng tâm là đào và quất, là hướng phát triển cây trồng chủ lực. Đến nay, toàn huyện đã có 225ha cây cảnh, trong đó hơn 50% diện tích là quất cảnh, tập trung tại các xã: Tàm Xá, Tiên Dương, Uy Nỗ, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ.
Một điểm rất thuận lợi là việc tiêu thụ cây quất cảnh tương đối tốt. Bà con nông dân gần như không phải mang quất cảnh đi bán lẻ do thương lái tìm về mua phần lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng đang được các sở, ban, ngành của Hà Nội quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cây quất cảnh tại xã Tàm Xá. Đây sẽ là cơ sở để cây quất cảnh tiến xa hơn trên thị trường.