Ngày 5/9/2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2083/QĐ-UBND về việc phê duyệt “Đề án SX và tiêu thụ RAT trên địa bàn thành phố giai đoạn 2009-2015” với mục tiêu đến năm 2015 diện tích RAT của Thủ đô đạt 5.000-5.500 ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án, đã nảy sinh một số vấn đề khó khăn, bất cập; đặc biệt trong khâu chứng minh nguồn gốc của RAT...
Dù nỗ lực quảng bá, tiêu thụ RAT qua mọi kênh bán hàng như siêu thị, nhà hàng, sân bay, quầy RAT… song lượng RAT bán ra chiếm một phần rất nhỏ, số còn lại vẫn được bà con bán lẫn lộn với rau ngoài thị trường. Từ thực tế trên, đòi hỏi cơ quan quản lý cần gắn tem chứng minh nguồn gốc, chất lượng cho các vùng rau đã được quy hoạch, phê duyệt nhằm tạo điều kiện giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện và người trồng rau bớt thiệt thòi.
Ông Nguyễn Hồng Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội cho biết, từ cuối tháng 9/2012, đơn vị đã phối hợp với các địa phương, DN triển khai kế hoạch chuẩn bị dán tem nhận diện RAT Hà Nội cho các sản phẩm bán lẻ với một mẫu tem chung cho toàn thành phố có in nội dung “Rau an toàn Hà Nội” ở giữa, phía trên có logo của Ngành NN-PTNT và hình cây rau cải bắp, kích thước 12 X 25 cm.
Nhằm quản lý, phân loại các vùng trồng rau, mỗi cơ sở, DN, HTX được Chi cục BVTV Hà Nội cấp một mã số cố định và dấu khắc để dập lên tem nhận diện hàng ngày. Tùy vào việc đóng gói của từng cơ sở SX, tem RAT sẽ được gắn trên bao bì, dây buộc hoặc trực tiếp trên lá rau với sự quản lý, kiểm soát chặt chẽ của cán bộ Trạm BVTV các quận, huyện được cắm chốt, túc trực tại các vùng SX RAT thí điểm gắn tem mác.
“Trước mắt, chúng tôi tiến hành lựa chọn 29 cơ sở SX RAT thí điểm dán tem nhận diện gồm 10 DN, 10 HTX SX-KD RAT có hoạt động sơ chế và 9 cơ sở HTX trực tiếp dán tem cho hộ nông dân bán lẻ. Dù chưa được đón nhận một cách hồ hởi, nhưng bước đầu cho thấy người tiêu dùng bắt đầu chú ý đến tem dán trên sản phẩm RAT. Chúng tôi hy vọng, không lâu nữa người tiêu dùng sẽ hình thành thói quen chỉ mua những sản phẩm có đóng gói, sơ chế và gắn tem mác RAT và RAT không chỉ được bán tại siêu thị, nhà hàng, quầy phân phối mà được bán ngay tại chợ hay trên các xe đạp thồ của người dân. Lúc đó, thực sự việc tiêu thụ RAT sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều, người trồng rau cũng được hưởng lợi cao hơn để thêm gắn bó, trách nhiệm với nghề”, ông Anh nhấn mạnh.
Cùng với việc gắn tem cho RAT, TP Hà Nội tiến hành chiến dịch thành lập các tổ tiêu dùng RAT trên địa bàn các quận nội thành. Theo đó, từ giữa năm 2012, với sự hướng dẫn của Chi cục BVTV, một sàn giao dịch RAT điện tử có tên miền www.sanbanbuon.vn đã được thành lập, là nơi kết nối các vùng SX RAT với các tổ tiêu dùng.
“Việc gắn tem mác cho RAT là cả một quá trình trăn trở rất lâu của Sở NN-PTNT. Bởi hành động gắn tem của ngành lên bao bì RAT đồng nghĩa với việc lấy uy tín, trách nhiệm của ngành để bảo lãnh với người tiêu dùng. Vì vậy, chúng tôi yêu cầu Chi cục BVTV, các DN, HTX SX RAT cần giữ gìn thương hiệu, uy tín của con tem như chính con ngươi của mình vậy. Quá khứ đã chứng minh, nếu đánh mất lòng tin ở người tiêu dùng rất khó để lấy lại. Mà người tiêu dùng chính là khâu then chốt quyết định đến sự thành công của chuỗi SX RAT”, ông Hoàng Thanh Vân , GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội. Ông Nguyễn Thành Lưu, Giám đốc Sàn giao dịch rau quả an toàn Hà Nội chia sẻ, hiện sanbanbuon.vn đã có 25 gian hàng là các DN, HTX SX RAT thuộc diện đã được Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận cùng 11 tổ tiêu dùng tại các quận nội thành. Bình quân, 2 ngày một lần, các đơn vị DN, HTX SX RAT sẽ báo giá lên sàn, sau đó sàn có trách nhiệm báo lại cho các tổ tiêu dùng. Sau khi nhận được bảng báo giá các loại rau từ phía đơn vị SX, các tổ tiêu dùng có quyền lựa chọn những HTX có chất lượng và giá thành RAT cạnh tranh nhất. Việc hình thành nên sàn giao dịch và tổ tiêu dùng, góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy tiêu thụ RAT trên địa bàn Hà Nội. Bởi thông qua kênh bán hàng này, người tiêu dùng được mua rau có chất lượng thật sự, giá thành tương đương rau ngoài chợ cóc vì không tốn chi phí thuê cửa hàng, công vận chuyển. Ông Lưu thừa nhận, mặc dù 11 tổ tiêu dùng hiện nay mỗi tuần chỉ tiêu thụ khiếm tốn khoảng 1 tấn RAT/tuần. Nhưng sang năm 2013, sanbanbuon.vn phấn đấu thành lập 300 tổ tiêu dùng tại tất cả các quận nội thành Hà Nội và kết nối với tất cả các cơ sở SX RAT trên địa bàn, chắc chắn khi đó sản lượng RAT tiêu thụ hàng tuần sẽ rất lớn. Bà Trần Tuyết Nhung, số nhà 52/160 Hào Nam (Đống Đa - Hà Nội), đại diện một tổ tiêu dùng RAT tâm sự: “Việc mua RAT qua sàn giao dịch giá không đắt hơn ngoài chợ là mấy, thậm chí những hôm mưa bão giá còn ổn định mà không bị \"thổi\" như ngoài chợ. Song, quan trọng hơn cả là chúng tôi mua được rau đảm bảo chất lượng, có tem nhãn chứng minh nguồn gốc rõ ràng”.Cùng với việc gắn tem cho RAT, TP Hà Nội tiến hành chiến dịch thành lập các tổ tiêu dùng RAT trên địa bàn các quận nội thành. Theo đó, từ giữa năm 2012, với sự hướng dẫn của Chi cục BVTV, một sàn giao dịch RAT điện tử có tên miền www.sanbanbuon.vn đã được thành lập, là nơi kết nối các vùng SX RAT với các tổ tiêu dùng.