Mô hình bảo vệ môi trường đồng ruộng hiệu quả

Cùng với đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo nên những vùng canh tác tập trung cho hiệu quả kinh tế cao, nông dân huyện Đông Anh đã thực hiện nhiều biện pháp hữu hiệu để xử lý tàn dư nông sản, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng.

Xã Liên Hà là vùng trọng điểm sản xuất lúa của huyện Đông Anh, có tổng diện tích 521ha đất nông nghiệp, trong đó, 494ha trồng 2 vụ lúa/năm. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và kinh doanh tổng hợp Liên Hà Lê Văn Tỵ cho biết, sau thu hoạch lúa, lượng rơm rạ phát sinh khá lớn, nhưng số rơm rạ được sử dụng để chăn nuôi, ủ phân… chưa nhiều. Trong khi đó, việc nông dân đốt rơm rạ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường nên hợp tác xã đã tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp này vào trồng nấm, ủ phân...

Chị Phạm Thị Vân, hộ sản xuất nấm ở thôn Châu Phong, xã Liên Hà cho biết, gia đình làm nghề trồng nấm từ năm 2014, mỗi năm thu mua khoảng 70 tấn rơm với giá 200.000-250.000 đồng/tạ. Hiện, Liên Hà có 3 hộ sản xuất nấm rơm, nấm mỡ trên diện tích 7.200m2 và một đơn vị thu mua rơm làm thức ăn chăn nuôi nên mỗi năm tiêu thụ khoảng 40% lượng rơm rạ phát sinh...

Số rơm rạ còn lại được nông dân ủ hoai mục, làm phân hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017, xã Liên Hà được huyện Đông Anh hỗ trợ triển khai mô hình sử dụng chế phẩm sinh học xử lý gốc rạ tại ruộng sau thu hoạch (diện tích 20ha). Sau 7-10 ngày, các gốc rạ bị phân hủy hoàn toàn, trở thành phân hữu cơ rất tốt cho cây trồng, tăng độ tơi xốp cho lớp đất màu. Thấy rõ hiệu quả của mô hình, các hộ dân ở xã Liên Hà đã cùng áp dụng và đạt kết quả rất tốt. “Những biện pháp xử lý rơm rạ này vừa giúp nông dân Liên Hà tăng thu nhập, vừa hạn chế tối đa việc đốt rơm sau gặt, góp phần bảo vệ môi trường đồng ruộng”, ông Lê Văn Tỵ cho biết.

Tương tự, xã Việt Hùng cũng có 2 hộ dân ở thôn Lỗ Giao và thôn Trung thực hiện mô hình trồng nấm mỡ, nấm rơm trên diện tích hơn 10.000m2. Mỗi năm, các hộ trồng nấm thu mua 130-140 tấn rơm trên địa bàn để làm giá thể trồng nấm.

Ngoài rơm rạ, việc xử lý tàn dư sau thu hoạch rau, củ, quả tại các vùng chuyên canh tập trung... cũng được nông dân huyện Đông Anh triển khai hiệu quả. Điển hình, tại Hợp tác xã Sơn Du (xã Nguyên Khê) hiện có 50ha trồng rau an toàn, rau hữu cơ sinh học, mỗi năm thải ra hơn 300 tấn tàn dư thực vật sau thu hoạch và được thu gom để ủ hoai bằng vôi bột. Giám đốc Hợp tác xã Sơn Du Tô Văn Định cho biết, năm 2019, hợp tác xã được Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện hỗ trợ biện pháp sử dụng chế phẩm sinh học và phủ ni lông. Với biện pháp này, sau khoảng 3-6 tháng, tàn dư nông sản trở thành nguồn phân hữu cơ phục vụ sản xuất. Thấy rõ hiệu quả của mô hình, các thôn khác trong xã tự nguyện áp dụng nên đồng ruộng ở Nguyên Khê đang trở nên xanh, sạch.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, toàn huyện hiện có hơn 6.000ha trồng lúa và gần 8.000ha trồng rau màu các loại. Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, mỗi năm, huyện hỗ trợ các xã 350-400 triệu đồng để thu gom, xử lý. Riêng tàn dư nông sản, huyện đang khuyến khích các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và hộ trồng nấm mở rộng sản xuất, tăng lượng thu mua rơm rạ cho nông dân; khuyến khích các địa phương chủ động xử lý tàn dư nông sản thành phân hữu cơ... góp phần bảo vệ môi trường.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 19373
Tổng lượng truy cập: 25453877