Phát huy tinh hoa làng nghề

Hà Nội - “đất trăm nghề”, có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước với nhiều loại sản phẩm có thể xem là tinh hoa văn hóa của người Việt. Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất là nơi hội tụ, tôn vinh nét đặc sắc cũng như những giá trị của làng nghề.

Theo ông Nguyễn Văn Tĩnh ở xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), nghề mây tre đan ở Phú Nghĩa đã có cách đây hơn 400 năm, chủ yếu làm đồ dùng cho cuộc sống thường ngày như: Thúng, mủng, dần, sàng... Đến nay, người dân đã sáng tạo ra hàng trăm mẫu hàng như: Đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ như: Đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc… Sản phẩm làng nghề của xã được tham gia festival là cơ hội để quảng bá các mặt hàng rộng rãi hơn đến người tiêu dùng Thủ đô.

Đánh giá về làng nghề Hà Nội, bà Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề thành phố cho rằng: Với 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu, Hà Nội đã hội tụ đủ các nhóm nghề như: Sơn mài, gốm sứ, vàng bạc, thêu ren, mây tre đan, dệt, giấy, tranh dân gian, gỗ, đá, trồng hoa, cây cảnh… “Không chỉ có thế mạnh về sản phẩm thủ công, các làng nghề Hà Nội mang trong mình bề dày lịch sử, văn hóa. Ở các làng nghề còn hội tụ những lễ hội đặc sắc, có không gian cảnh quan, đây là nền tảng thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, để phát triển, trước hết cần lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu, quảng bá tinh hoa nghệ thuật làng nghề tới du khách trong nước và quốc tế” - bà Hà Thị Vinh chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho làng nghề phát huy hiệu quả hơn nữa trong đời sống hiện tại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Trần Thị Phương Lan cho biết, thành phố đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, thành phố đã chỉ ra danh mục các dự án ưu tiên đầu tư, trong đó có 17 dự án phát triển làng nghề gắn với du lịch; 17 làng nghề truyền thống cần bảo tồn lâu dài; 7 làng nghề truyền thống tiêu biểu cần tập trung nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa… Đến năm 2030, Hà Nội sẽ có 1.500 làng nghề, tạo việc làm ổn định cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn.

Riêng về du lịch làng nghề, theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cùng với việc xây dựng thí điểm nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội ở các làng nghề, Sở đã chỉ đạo doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh việc xúc tiến các tour nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của du lịch làng nghề Hà Nội. Sở cũng đã triển khai chuyên đề nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch gắn với điểm du lịch văn hóa, làng nghề... Mặt khác, thực hiện tốt chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng là giải pháp hỗ trợ các sản phẩm du lịch nông nghiệp, làng nghề phát triển.

Hướng tới những mục tiêu nêu trên, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại thông tin: Thành phố đã có nhiều giải pháp nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và địa phương quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề, đặc biệt là các sản phẩm đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố. Trong đó Festival sản phẩm nông sản và làng nghề Hà Nội lần thứ nhất có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Festival sẽ tôn vinh giá trị làng nghề và là cơ hội để các cơ sở, doanh nghiệp tại làng nghề kết nối, hợp tác với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để làng nghề Hà Nội thực sự phát huy hiệu quả trong thời đại hội nhập.

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 18785
Tổng lượng truy cập: 25453877