Thời gian qua, ngành Nông nghiệp đã tạo được bộ giống cây trồng đa dạng áp dụng vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của ngành. Tuy nhiên, công tác phát triển giống cây trồng vẫn còn hạn chế, bất cập, đòi hỏi các cấp, ngành có giải pháp tháo gỡ, để có nguồn cung ổn định và chất lượng trong thời gian tới.
Là những người đã có thâm niên trong ngành trồng trọt, Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) Bùi Hường Bích cho hay, hiện nay, ngoài các giống hoa có giá trị kinh tế cao như hoa lan, lily phải nhập khẩu, ngành Nông nghiệp và người dân đã có thể tự sản xuất hầu hết các loại giống cây trồng tại địa phương. Còn ông Lê Xuân Long ở xã Kim An (huyện Thanh Oai) cho biết, gia đình đã có hơn 10 năm trồng cam Canh, vừa trồng cây thương phẩm, vừa trồng cây giống, cung cấp ra thị trường khoảng vài nghìn cây mỗi năm.
Bằng kinh nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật, người dân đã chủ động sản xuất nhiều loại giống cây trồng. Tuy nhiên, do không có cây đầu dòng sạch bệnh nên các giống cây do hộ nông dân sản xuất thường không bảo đảm về năng suất, chất lượng sản phẩm. Nói rõ hơn về thực tế này, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa cho biết, Hà Nội có tới 110 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, nhưng lượng cây giống sản xuất đạt quy chuẩn kỹ thuật vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu: Giống lúa đáp ứng được 70%; cây ăn quả 30-40%.
Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường, hiện nay, công tác nghiên cứu giống cây trồng mới chỉ tập trung ở các giống cây ngắn ngày, chủ yếu là lúa và ngô...; các giống cây ăn quả chưa được quan tâm đúng mức. Do vậy, ở nhiều địa phương vẫn có tình trạng người dân sử dụng giống cây trồng chưa đúng quy chuẩn kỹ thuật... Nói về nguyên nhân, ông Nguyễn Như Cường cho biết, công tác nghiên cứu chọn tạo giống cây trồng đòi hỏi kinh phí lớn, trình độ kỹ thuật cao và cũng chứa đựng nhiều rủi ro nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.
Để từng bước chủ động nguồn giống cây trồng có chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, thời gian tới, Sở tiếp tục mở rộng Trạm khảo nghiệm, thực nghiệm sản xuất giống cây trồng ứng dụng công nghệ cao ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín). Đây sẽ là nơi cung cấp giống cây trồng chất lượng cao cho người dân và dự kiến mỗi năm cung ứng khoảng 1,3 triệu cây giống ăn quả, 60.000 cây giống hoa nuôi cấy mô, 50 tấn khoai tây giống, 100.000 cây giống hoa cúc, hoa hồng... Sở NN&PTNT cũng giao các đơn vị tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trước những đòi hỏi của thực tiễn và để bảo đảm nguồn cung giống ổn định, chất lượng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành nâng cao năng lực của hệ thống nghiên cứu, chọn tạo, sản xuất, quản lý giống cây trồng theo hướng hiện đại. Trong đó, đặt mục tiêu bảo đảm sử dụng 90% giống lúa xác nhận và hạt lai F1 cho sản xuất; giống cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả được sản xuất từ cây đầu dòng đạt 90%... Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ mở rộng việc đánh giá và khai thác quỹ gen cây trồng nhằm phục vụ có hiệu quả công tác nghiên cứu chọn tạo giống, hướng tới cung cấp đủ giống cây trồng có chất lượng cao cho người dân.