Cây dược liệu được coi là cây trồng mũi nhọn của ngành trồng trọt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu bởi hiệu quả kinh tế cao, nhu cầu thị trường lớn… Những năm gần đây, Hà Nội đã quan tâm nhiều hơn đến việc phát triển cây dược liệu. Tuy nhiên, để thúc đẩy, nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu, cần có thêm nhiều giải pháp từ các cấp, ngành chức năng và các doanh nghiệp.
Thành công từ những mô hình điểm
Khu trồng dược liệu hữu cơ tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn) được coi là vùng trồng dược liệu lớn nhất của Hà Nội. Theo Giám đốc Hợp tác xã Bảo tồn và phát triển dược liệu Sóc Sơn Nguyễn Thanh Tuyền, từ 5ha ban đầu hình thành vào năm 2015, đến nay, hợp tác xã đã phát triển quy mô trồng lên tới 21ha tại xã Bắc Sơn và 5ha tại xã Xuân Giang. Ngoài những loại dược liệu như: Xuyên khung, khôi tía, bán chi liên, phúc bồn tử, kỳ tử…, hợp tác xã đang trồng và bảo tồn loài trà hoa vàng pagoda - một loại dược liệu quý của Việt Nam.
Nói về mô hình trồng dược liệu trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, trước kia, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại các xã vùng đồi, núi rất khó khăn bởi địa chất vùng đồng kém…
Thế nhưng, cây dược liệu sinh trưởng và phát triển tốt, đến nay, Sóc Sơn đã có 66ha trồng dược liệu, chủng loại đa dạng, có giá trị kinh tế đạt 370-500 triệu đồng/ha/năm. Đây là hướng chuyển đổi mới của nông nghiệp Sóc Sơn.
Tương tự, dù mới bắt tay vào trồng cây dược liệu chưa lâu nhưng các sản phẩm được bào chế từ cây dược liệu của Hợp tác xã Tâm An (huyện Thường Tín) đã có mặt tại các hệ thống siêu thị lớn.
Giám đốc Hợp tác xã Tâm An Nguyễn Thị Thu cho hay, chùm ngây, cà gai leo, húng chanh, đinh lăng… là những cây trồng chính. Với quy mô sản xuất gần 2ha tại xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), ngoài bán nguyên liệu thô, hợp tác xã đã chế biến các loại trà đóng gói từ cây dược liệu…
Những năm gần đây, việc trồng cây dược liệu đã, đang được mở rộng tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn thành phố hiện có 673ha trồng cây dược liệu. Cụ thể, huyện Sóc Sơn có 171ha, Mỹ Đức 61,2ha, Ba Vì 30ha…
“Cây dược liệu là nguồn thuốc quý của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nhiều dịch, bệnh nguy hiểm đã và đang xuất hiện. Nhiều người dân đã quay lại sử dụng các loại thuốc bào chế từ dược liệu truyền thống. Xét về thị trường, đây là nguồn “cầu” dồi dào cho cây dược liệu phát triển”, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội Hoàng Thị Hòa nhấn mạnh.
Giải pháp nào để nhân rộng?
Đánh giá về tiềm năng, Tiến sĩ Lê Hưng Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Hà Nội cho rằng, điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng của Hà Nội phù hợp để phát triển đa dạng các loại cây dược liệu. Các huyện miền núi Ba Vì, Sóc Sơn, Mỹ Đức… có thổ nhưỡng, độ dốc địa hình, điều kiện thời tiết phù hợp với các loại cây như: Khôi tía, trà hoa vàng, trà hoa cúc Nhật… Vùng bán sơn địa Chương Mỹ, Thạch Thất có thể phát triển các loại cây cà gai leo, mật gấu…
Lý giải vì sao cây dược liệu mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nhưng đến nay các mô hình trồng dược liệu ở Hà Nội vẫn nhỏ lẻ với diện tích khiêm tốn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhìn nhận, nguyên nhân chính là cơ sở hạ tầng sản xuất hạn chế; kỹ thuật trồng chủ yếu theo kinh nghiệm; thị trường tiêu thụ tiềm năng nhưng chưa được khai thác, quản lý đầy đủ nên chưa phát huy hiệu quả…
Về vấn đề này, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức) Đinh Tiến Thao cho biết, năm 2015, hợp tác xã đã kết hợp với Công ty Dược Tuệ Linh xây dựng vùng trồng cây dược liệu (chủ yếu là cây cà gai leo). So với lúa, rau màu, cây dược liệu cho hiệu quả kinh tế gấp 4-5 lần.
Tuy nhiên, nếu trồng tự phát thì người dân sẽ không biết tiêu thụ sản phẩm thế nào. Bên cạnh đó, sản xuất cây dược liệu phải tuân thủ nghiêm những quy định về trồng, chăm sóc, nếu không được học tập, tập huấn, nông dân khó có thể trồng, chăm sóc được các loại cây này.
Để phát triển cây dược liệu ở Hà Nội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Xuân Đại cho hay, Sở NN&PTNT đã kết hợp với Sở Y tế, Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiệp Việt Nam… tiến hành khảo sát tại các xã miền núi, đồi gò của Hà Nội; xây dựng mục tiêu hình thành các vùng cây dược liệu 600-1.000ha vào năm 2020; 1.500-2.000ha vào năm 2030.
Để hoàn thành mục tiêu đó, đồng thời từng bước nhân rộng các mô hình trồng cây dược liệu, mang lại thu nhập cao cho nông dân, Hà Nội ưu tiên chọn các giống dược liệu bản địa, phù hợp với canh tác lâu đời của địa phương; hỗ trợ các địa phương hình thành vùng dược liệu chuyên canh đạt tiêu chuẩn; xây dựng vùng trồng, chủng loại trồng trên thực tế để có giải pháp đầu tư và phát triển hạ tầng phục vụ sản xuất...
Cụ thể, Hà Nội phát triển vùng dược liệu hữu cơ tại Sóc Sơn; vùng dược liệu cổ truyền người Dao tại Ba Vì; du nhập và phát triển một số dược liệu quý, giá trị kinh tế cao tại Thạch Thất, Phú Xuyên, Đông Anh...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Đại, để phát triển mô hình trồng cây dược liệu rất cần có sự tham gia của các doanh nghiệp, bởi đây là loại hàng hóa đặc thù, bài toán tiêu thụ cần được tính toán kỹ lưỡng. Hà Nội sẽ xây dựng cơ chế thu hút các doanh nghiệp dược có thế mạnh để liên kết cùng nông dân trong phát triển cây dược liệu.