Nông sản sạch luôn là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, trong nhiều năm trở lại đây, thành phố Hà Nội và đặc biệt là ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể tới chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, thúc đẩy nông dân sản xuất nông sản sạch.
Nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời, góp phần tăng thu nhập cho lao động nông thôn, những năm trở lại đây, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đặc biệt chú trọng phát triển vùng chuyên sản xuất rau an toàn quy mô tập trung.
Như tại thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức, nhờ áp dụng mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, suốt 10 năm qua, hơn 30ha rau an toàn của người dân đã được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng. Hiện nay, mỗi ngày, HTX Tiền Lệ cung cấp ra thị trường 12 tấn đến 15 tấn rau an toàn các loại. Tất cả các sản phẩm rau đều áp dụng một cách triệt để Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Việc áp dụng mô hình này đã hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ được phép sử dụng các loại bảo vệ thực vật ở Việt Nam, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc hạn chế sử dụng, thuốc ngoài danh mục, không rõ nguồn gốc.
Tương tự, tại xã Tân Minh, huyện Thường Tín - địa phương có hơn 90ha, thu hút gần 2.000 hộ tham gia, là xã có số hộ trồng rau gia vị lớn nhất thành phố. Thấy được hiệu quả kinh tế, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội đã phối hợp với UBND xã vận động người dân sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn rau an toàn, tích cực hỗ trợ người dân bằng các lớp tập huấn nâng cao kiến thức sản xuất. Từ các thôn La Uyên, Thọ Giáo, đến nay, mô hình này đã nhân rộng ra cả xã. Hộ trồng nhiều có khoảng 7 sào hộ ít có 1, 2 sào rau. Trung bình, mỗi một vụ người dân có thể thu được hàng chục triệu đồng, so với trồng lúa trồng rau gia vị cho thu nhập gấp 5 lần.
Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện thành phố Hà Nội có tổng diện tích canh tác rau 12.000ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Chủng loại rau phong phú với trên 40 loại, chủ yếu gieo trồng ở vụ Đông Xuân. Sản lượng rau đạt gần 700.000 tấn/năm, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Theo quy hoạch mạng lưới rau an toàn định hướng đến năm 2020 thì diện tích sản xuất rau toàn Thành phố là 16.276,7ha, trong đó các vùng sản xuất rau tập trung là 151 vùng với tổng diện tích là 6.644,7ha (trung bình 44 ha/vùng). Hiện nay, diện tích được chứng nhận đủ điều kiện ATTP trong sản xuất rau đạt mục tiêu Đề án và lớn nhất toàn quốc với diện tích trên 5.044ha, sản lượng rau an toàn đạt gần 400 nghìn tấn/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng, diện tích rau VietGAP 521,6ha, rau hữu cơ khoảng 50ha.
Để người nông dân yên tâm sản xuất và người tiêu dùng có sản phẩm an toàn sử dụng, ngành nông nghiệp đã xây dựng được 35 mô hình chuỗi ATTP áp dụng hệ thống đảm bảo có sự tham gia (PGS). Đây là hệ thống đảm bảo chất lượng nội bộ, giúp truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, đảm bảo quy trình chăm sóc theo quy định của nhà nước.
Sản xuất theo chuỗi đã tạo được lòng tin tiêu thụ rau an toàn cho người tiêu dùng truy xuất được nguồn gốc sản phẩm đến hộ. Số doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm tăng lên từ 112 doanh nghiệp lên 208 doanh nghiệp, số lượng tiêu thụ qua hợp đồng từ trung bình 15 tấn/ngày tăng lên trung bình 42 tấn/ngày. Như HTX Văn Đức 5 doanh nghiệp tăng lên 10 doanh nghiệp, sản lượng từ 2 tấn tăng lên 10 tấn/ngày, đặc biệt còn xuất khẩu sang thị trường Đài Loan, Hàn Quốc; HTX NN Đại Lan 5 doanh nghiệp tăng lên 14 doanh nghiệp, sản lượng từ 0,5 tấn tăng lên 2 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, nhằm phát triển thêm các vùng RAT theo hướng bền vững, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Chi cục sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân mở rộng chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về phòng trừ sâu bệnh theo hướng giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc để phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Bên cạnh đó, tập trung phát triển chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn đảm bảo truy xuất nguồn gốc và có sự tham gia của người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng.