Gắn sản xuất với tiêu thụ rau an toàn

Hà Nội hiện đã có các mô hình trồng rau an toàn công nghệ cao, với mức đầu tư ban đầu khá lớn. Song, để mang lại hiệu quả, điều cốt yếu trong sản xuất rau an toàn là phải gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Hiện nay, việc chăm sóc rau tại khu ruộng đã được đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới khá bài bản ở thôn Yên Quán (xã Tân Phú, huyện Quốc Oai). Bà Đỗ Thị Tẹo, một người dân địa phương cho biết, nhiều năm nay, người dân xã Tân Phú đã tận dụng vùng đất bãi ven sông để trồng các loại rau màu, nhưng chủ yếu là những cây trồng theo mùa vụ, không có cây đặc sản. Vì thế, tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa” vẫn thường xuyên diễn ra.

“Người trồng rau xanh cũng nhìn ra hạn chế này, nhưng khó khắc phục. Vì thế, từ khi huyện Quốc Oai đầu tư xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới trồng rau an toàn theo hướng công nghệ cao tại địa phương gắn với tiêu thụ sản phẩm, bản thân tôi và người dân nơi đây rất phấn khởi làm theo”, bà Đỗ Thị Tẹo cho hay.

Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Thị Sắc cho biết: Theo quy hoạch, huyện Quốc Oai có 65ha trồng rau an toàn theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Ngay từ khi tổ chức sản xuất, huyện đã phối hợp với các bên liên quan tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm, nên nông dân tham gia mô hình sản xuất rau công nghệ cao rất yên tâm.

Được huyện Thanh Trì hỗ trợ, Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát ở xã Yên Mỹ cũng đã ứng dụng thành công quy trình sản xuất rau sạch theo công nghệ tiên tiến của Israel.

Ông Nguyễn Mạnh Hồng, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát cho biết, trên diện tích 2.600m2, đơn vị đã đầu tư dây chuyền công nghệ cao trồng rau xà lách, cải ngọt… và sản phẩm bắt đầu cho thu hoạch. Từ khi bắt tay vào sản xuất, đơn vị đã liên kết với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp An Phát, giới thiệu để đưa rau tiêu thụ tại các siêu thị, nhà hàng lớn và một số hãng hàng không…

Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội cho biết, toàn thành phố có hơn 12.000ha trồng rau xanh. Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể về diện tích, nhưng tỷ lệ sản xuất rau an toàn công nghệ cao của Hà Nội vẫn khiêm tốn, bởi mô hình này chi phí đầu tư ban đầu rất lớn; trong khi sản phẩm cuối cùng là rau tươi sử dụng trong ngày, nếu như đầu ra sản phẩm gặp khó khăn, thì nguy cơ bị thua lỗ cao…

Nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, Sở NN&PTNT Hà Nội đang nghiên cứu và tiếp tục hỗ trợ thực hiện một số mô hình áp dụng công nghệ cao, tập huấn nâng cao năng lực sản xuất, quản trị cho nông dân.

Cùng với đó, Sở phối hợp với các địa phương chú trọng đẩy mạnh hình thành chuỗi giá trị trong liên kết sản xuất - tiêu thụ rau, như: Phát triển các quầy bán rau an toàn tại các chợ, siêu thị; duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ rau an toàn ở các vùng sản xuất quy mô lớn nằm xa chợ đầu mối.

Sở NN&PTNT cũng tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan tổ chức phát triển mạng lưới tiêu thụ rau an toàn theo các hình thức: Quầy rau an toàn tại các khu dân cư (tùy theo quy mô của khu dân cư có thể bố trí từ 1 đến 3 cửa hàng rau an toàn/khu); hỗ trợ mở quầy bán rau an toàn tại các chợ (chủ yếu là khu vực nội thành) song hành cùng các siêu thị…, qua đó gián tiếp thúc đẩy các mô hình sản xuất rau an toàn công nghệ cao ngày càng phát triển.

Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9597
Tổng lượng truy cập: 25479348