Cô gái 9X và niềm trăn trở với cây dược liệu

Sau 12 năm đội tóc giả đi khắp các bệnh viện lớn nhỏ để chữa bệnh rụng tóc, cô gái 9X – Nguyễn Thị Thu (thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) đã tìm lại mái tóc cho chính mình chỉ với các loại cỏ cây, từ đó cô bén duyên với cây dược liệu. Để cây dược liệu không chỉ lên xanh tốt trong môi trường tự nhiên mà còn giúp nâng cao thu nhập cho nhiều người có hoàn cảnh khó khăn tại mảnh đất quê hương là niềm trăn trở bấy lâu nay của cô gái 9X này.

Thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín có nghề mổ lợn nên các chị em của Thu đều ở nhà chạy chợ. Sinh ra trong một gia đình có 6 chị em, là người duy nhất được học hành đầy đủ nên Thu cũng là niềm hy vọng của cả nhà. Khoảng năm 2000-2001, không hiểu sao Thu bị rụng tóc rất nhiều. Đã đi khắp các bệnh viện lớn, nhỏ, tìm đến không biết bao nhiêu thầy lang mà tóc của cô vẫn rụng trơ trụi. Cho đến 1 ngày năm 2012, mẹ cô nghe tin có một thầy lang dưới Thái Bình rất giỏi, 2 mẹ con lặn lội tới nhà thầy chữa bệnh. Nghe Thu trình bày xong, ông đi lấy cho cô một túi với những loại cây quen thuộc: Bồ kết, hương nhu, sả, cỏ mần trầu… Chẳng ngờ chỉ sau một năm, tóc Thu đã mọc xanh trở lại.Trong quá trình đi chữa bệnh Thu đã thấy rất nhiều các bài thuốc dân gian Việt Nam đang bị mai một và càng xót xa hơn khi các loại thuốc quý của Việt Nam bị bán sang Trung Quốc với giá rẻ mạt.

Sau nhiều đêm trăn trở, chứng kiến thực trạng người dân quê mình bỏ ruộng không cấy, Thu đã đi đến một quyết định, một bước ngoặt trong đời, đó là từ bỏ công việc với vị trí và mức lương hấp dẫn, để quyết tâm đưa cây dược liệu về địa phương.

Khởi nghiệp với số vốn ít ỏi chỉ 30 triệu đồng cộng với sự phản đối kịch liệt của gia đình, nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, Thu vẫn quyết tâm thành lập công ty TNHH SX và TM ATK Việt Nam. Ban đầu là đi “buôn” rau chùm ngây. Song sớm nhận thấy việc bán rau ăn thì chỉ giải quyết được phần lá non, còn đám lá già bị vặt bỏ làm phân, Thu xót xa như chính mình vừa mất của. Thời điểm đó (năm 2015) bà con nông dân Thanh Hoá ồ ạt trồng cây chùm ngây, không có chỗ tiêu thụ nên đổ bỏ. Thu đã về tận nơi tìm hiểu và tính phương án giúp đỡ bà con. Không ngờ về đến nơi, bà con cho không hàng chục héc ta, nghe vậy càng thấy tiếc. Thu nghĩ thuốc nam vẫn phơi khô để dùng dần được nên đã đưa chùm ngây từ Thanh Hoá ra Đông Anh (Hà Nội) để thuê một công ty chuyên về dược liệu sấy và làm trà. Không đủ tiền thuê nhân viên, chỉ đủ tiền thuê 1 nhân viên kế toán, hai vợ chông Thu lúc là nhân viên ship hàng, lúc là nhân viên đóng gói, lúc là nhân viên phát triển thị trường lúc là Giám đốc.

Xác định để phát triển cây dược liệu phải hướng tới sơ chế, chế biến mới nâng cao được cạnh tranh của sản phẩm. Vì vậy, năm 2016, Thu đã mở rộng sản xuất, xây dựng xưởng trên diện tích 140m2 và vay tiền để đầu tư máy móc: máy sấy lạnh, máy sao trà, máy nghiền, máy đóng trà sơ khai. Thu liên kết vùng nguyên liệu với 3 hộ dân xã Chương Dương, huyện Thường Tín với tổng diện tích là 2ha. Những hộ trồng cây dược liệu cho Thu đều là những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện Thường Tín. Bà Phạm Thị Thoa – xã Chương Dương cho biết, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng Chùm ngây cho thu nhập cao gấp 3 – 4 lần lại không vất vả bón phân và phun thuốc trừ sâu như trồng lúa. Bên dưới gốc cây chùm ngây còn có thể trồng cỏ nhọ nồi… tăng thêm thu nhập.

Năm 2018, Thu mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ trồng lúa sang trồng các loại cây thảo dược có gái trị kinh tế cao hơn, hình thành 1,5ha vùng nguyên liệu theo định hướng thuận tự nhiên; diện tích kho xưởng mở rộng lên 400m2, máy móc phục vụ sản xuất bao gồm máy sấy lạnh, máy sao trà, máy nghiền, máy đóng trà bằng mắt thần, máy đóng trà YD11, máy sấy đa năng tích hợp chức năng hấp sấy, kho lạnh bảo quản của tổ chức Thrrive Hoa Kỳ. Sản phẩm của Thu đa dạng hơn, bao gồm: trà Chùm ngây, trà Đinh lăng, trà Cà gai leo, dầu gội thảo dược, .. đều được sản xuất theo chu trình khép kín từ trồng nguyên liệu cho đến sản xuất. Sản phẩm trà được đặt tên “Tâm An” bởi Thu luôn tâm niệm phải mang cái Tâm của người sản xuất để đưa đến sự bình an cho người tiêu dùng.

Trong quá trình gây dựng sự nghiệp với cây dược liệu, Thu đã gặp không ít những khó khăn và thất bại, nhưng với trăn trở tạo nên những sản phẩm thảo dược tốt nhất cho người Việt, đồng thời giúp nâng cao thu nhập cho những người gặp hoàn cảnh khó khăn, cô gái 9X với phong cách hoạt bát, năng nổ ấy đã không ngừng nỗ lực. Hiện cơ sở sản xuất thảo dược Tâm An giải quyết việc làm cho 9 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ với mức lương bình quân 4 triệu đồng/ tháng. Bà Nguyễn Thị Bình - một trong chín lao động thường xuyên vui vẻ chia sẻ: “Chồng và hai đứa con tôi đều mắc tâm thần. Tôi làm cho cô Thu vừa có lương, vừa được đóng bảo hiểm. Chứ làm ruộng đói lắm”.

Vừa qua, Thu đã tổ chức thành công buổi lễ trao tặng cây giống và mở lớp tập huấn về trồng cây dược liệu miễn phí cho 12 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Khánh Hà để sản xuất. Tổng giá trị trao tặng cho mỗi hộ là 9 triệu đồng/hộ. Sau khi thu hoạch, Công ty TNHH SX và TM ATK Việt Nam là đơn vị trực tiếp thu mua và bao tiêu cây dược liệu cho các hộ.

Với sự nỗ lực của mình trong quá trình công tác, Nguyễn Thị Thu đã vinh dự được nhận nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý như: cá nhân có thành tích xuất sắc, chủ doanh nghiệp kinh doanh giỏi trên địa bàn xã Khánh Hà năm 2017 của UBND xã; Giải nhất cuộc thi Vietfarm, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín tặng bằng khen “Người tốt việc tốt” năm 2018 … Song, đối với Thu, phần thưởng lớn nhất chính là sự tin tưởng, yêu mến của khách hàng đã dành cho sản phẩm trà Tâm An mà cô dày công vun đắp./.
Nguyễn Thị Lương - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 9539
Tổng lượng truy cập: 25479348