Đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn thực phẩm là hướng đi của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Bằng những cách làm cụ thể, đến nay Hà Nội đã hình thành các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Cây lúa trên các cánh đồng của xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai) thời điểm này đang bước vào thời kỳ đẻ nhánh. Hướng về cánh đồng rộng ngút tầm mắt trồng lúa chất lượng cao của địa phương, ông Đỗ Văn Kiên, Giám đốc Hợp tác xã Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tam Hưng chia sẻ: Xã có khoảng 730ha trồng lúa thì hơn 500ha gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7 và 150ha lúa nếp cái hoa vàng. Diện tích còn lại là các giống lúa: Thiên ưu, TRV… Đây đều là các giống lúa chất lượng cao, trồng trên quy mô lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sau dồn điền, đổi thửa, cũng giống Tam Hưng, nhiều xã của huyện Thanh Oai như: Thanh Văn, Thanh Thùy, Mỹ Hưng... cũng tích cực mở rộng các vùng chuyên canh trồng lúa chất lượng cao. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển, trên cơ sở quy hoạch, huyện đã mở rộng được gần 10.000ha trồng lúa chất lượng cao với quy mô từ 20ha/vùng trở lên, chiếm khoảng 70% diện tích canh tác lúa của huyện, cho thu nhập hơn 170 triệu đồng/ha.
Trên cơ sở định hướng của thành phố, tiềm năng sản xuất nông nghiệp của huyện Mê Linh cũng được “đánh thức”. Các vùng đất bãi trước đây cỏ mọc um tùm đã thay thế bằng cây rau an toàn, hoa chất lượng cao cho thu nhập từ 250 đến 700 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn huyện có khoảng 430ha trồng hoa, riêng xã Mê Linh có 190ha, Văn Khê 110ha... Các xã có điều kiện đất đai, nguồn nước thuận lợi đã tập trung phát triển vùng trồng rau an toàn, chẳng hạn như: Xã Tráng Việt đã phát triển được 200ha trồng rau an toàn, Tiền Phong 90ha, Tiến Thắng 70ha...
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, nông nghiệp Hà Nội đang tạo ra bước chuyển mạnh mẽ, quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi ngày càng hiệu quả, cơ cấu kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng bền vững. Đến nay, toàn thành phố đã hình thành 154 vùng trồng lúa có quy mô hơn 100ha/vùng tại 86 hợp tác xã của 14 huyện; 101 vùng trồng rau an toàn, rau hữu cơ với quy mô 20ha/vùng trở lên; 50 vùng trồng hoa, cây cảnh với quy mô 20ha/vùng trở lên; 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư... cho thu nhập từ 250 triệu đồng đến vài tỷ đồng/ha/năm.
Theo ông Chu Phú Mỹ, Hà Nội đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp và định hướng đến năm 2020, tiếp tục duy trì và mở rộng vùng trồng lúa tập trung, trong đó diện tích lúa chất lượng cao khoảng 60.000ha, chiếm khoảng 60% diện tích gieo cấy tập trung tại các huyện trọng điểm như: Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai. Cùng với đó là phát triển vùng trồng rau tại các huyện Thường Tín, Đan Phượng, Đông Anh với diện tích gieo trồng từ 34.000 đến 35.000ha, trong đó có 5.044ha rau an toàn và 300ha rau ứng dụng công nghệ cao; vùng trồng cây ăn quả ở các huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Chương Mỹ, Ba Vì, Sóc Sơn với diện tích từ 17.500 đến 18.000ha; vùng trồng hoa, cây cảnh ở các huyện Mê Linh, Đông Anh, Phúc Thọ, Đan Phượng với diện tích khoảng 7.000ha... Qua đó, cung cấp khối lượng sản phẩm lớn và đa dạng phục vụ thị trường Thủ đô, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn.
Để nhân rộng và phát triển bền vững các mô hình sản xuất tập trung, cùng với đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp và tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế, nhất là nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp...