Đây là 1 trong 5 Trung tâm Mạ khay được ngành nông nghiệp Hà Nội thành lập với mục đích thúc đẩy áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy lúa, giảm chi phí sản xuất, nhân công, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hiệu quả rõ rệt
Bắt đầu từ vụ Mùa năm 2017, xã Đông Yên, huyện Quốc Oai đưa mô hình mạ khay, máy cấy vào thí điểm với diện tích 8,4ha. Người dân không còn lo chạy đua với thời vụ hay đôn đáo tìm người cấy thuê bởi đã có máy cấy.
Các đại biểu và chuyên gia đánh giá chất lượng mạ khay tại Trung tâm Mạ khay Kubota huyện Quốc Oai. Ảnh: Ánh Ngọc |
Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Việt Yên, xã Đông Yên Đỗ Hữu Dự cho biết, HTX đứng ra đảm nhiệm làm dịch vụ cho bà con với giá hợp lý chỉ 120.000 đồng/sào. Áp dụng mạ khay, máy cấy giúp giảm một nửa lượng thóc giống so với cấy lúa theo phương pháp truyền thống. Hơn nữa, cấy lúa bằng máy chỉ mất khoảng 20 phút/sào nên giảm đáng kể ngày công và rút ngắn thời vụ gieo cấy.
"Với tiêu chí đồng hành cùng nông nghiệp Hà Nội, công ty sẽ tiếp tục hỗ trợ các trung tâm mạ khay nâng cao chất lượng mạ khay cung cấp cho bà con nông dân theo chuẩn Kubota. Cụ thể, trong hai năm đầu, Công ty Kubota Việt Nam sẽ cử chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ kỹ thuật và 20 triệu đồng/vụ cho mỗi trung tâm khi vận hành.' - Trưởng phòng Marketing Công ty Kobuta Việt Nam Chac Ra Phan |
Hạch toán kinh tế cho thấy, áp dụng mạ khay, cấy máy, nông dân giảm chi phí từ 100.000 – 150.000 đồng/sào so với gieo cấy bằng phương pháp thủ công. Đồng thời, lúa cấy bằng máy do cấy nông, cấy thưa nên khả năng đẻ nhánh khỏe, ruộng thông thoáng ít sâu bệnh, giảm việc sử dụng thuốc BVTV. Điều này giúp nông dân tạo ra sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, năng suất tăng hơn so với phương pháp truyền thống từ 7 - 10%. Ngoài ra, việc sử dụng mạ khay, cấy máy còn giúp các HTX quy hoạch được vùng sản xuất, gieo cấy cùng một loại giống, cùng trà, thuận lợi cho việc chăm sóc, thu hoạch, từng bước hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai Kiều Minh Khuê chia sẻ, hiện nay, nhu cầu về mạ khay của nông dân là rất lớn bởi hiệu quả mang lại kể cả khi nông dân cấy máy hay cấy thủ công. Do đó, việc thành lập trung tâm mạ khay sẽ giúp chủ động cung ứng lượng lớn mạ đảm bảo chất lượng cho nông dân với mức chi phí hợp lý. Dự kiến, ngay trong vụ Xuân năm 2019, trung tâm sẽ sản xuất 20.000 khay mạ, đáp ứng nhu cầu cấy cho gần 100ha diện tích.
Cần được tiếp tục hỗ trợ
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Lê Lưu Cầu cho hay, thời gian qua, TP đã ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa. Đặc biệt là hỗ trợ nông dân, HTX mua các loại máy cơ giới hóa thông qua hình thức cho vay vốn Quỹ khuyến nông, hỗ trợ 100% lãi suất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ứng dụng cơ giới hóa trong cấy lúa vẫn là khâu yếu trong sản xuất lúa khi tỷ lệ chỉ đạt 5%. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay Trung tâm đang tiếp tục triển khai hỗ trợ nông dân, HTX, vay vốn Quỹ Khuyến nông mua máy móc, trong đó ưu tiên cho mua sắm máy cấy, máy sấy thóc. “Việc thành lập trung tâm mạ khay được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tỷ lệ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa toàn TP lên 10 – 15% trong năm 2010” – ông Cầu nhấn mạnh.
Theo Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Quốc Oai Kiều Minh Khuê, một trong nhưng khó khăn khi thực hiện mô hình mạ khay, cấy máy là khâu làm mạ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố kỹ thuật từ làm giá thể và thời tiết. Trong khi đó, kinh phí đầu tư để mua khay làm mạ vẫn ở mức cao, lợi nhuận thấp nên chỉ có HTX, trạm khuyến nông đủ năng lực mới đảm nhiệm được. Vì vậy, để nhân rộng mô hình mạ khay, cấy máy, nâng tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, TP cần nâng mức hỗ trợ cao hơn để thành phần tư nhân có cơ hội được tham gia đầu tư. Bên cạnh đó, các HTX, trạm khuyến nông rất cần những chính sách hỗ trợ kịp thời từ phía Nhà nước cũng như phía DN cung cấp máy móc, thiết bị.