Học làm giàu từ trồng chè an toàn
Từ lâu, người dân các xã miền núi huyện Ba Vì đã sinh sống dựa vào cây chè. Nay cuộc sống của người dân nơi đây càng sung túc hơn nhờ học tập và áp dụng quy cách trồng, chăn sóc, bón phân, phòng bệnh, thu hoạch theo nguyên tắc: Đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian, giúp cây chè Ba Vì có hương vị đậm đà, được nhiều người ưa chuộng.

Kiếm tiền tỷ từ cây chè

Cây chè có ở các xã miền núi huyện Ba Vì từ lâu, tuy nhiên, gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, nhân dân chuyển sang học trồng và chế biến chè an toàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho hay: địa phương có diện tích cây chè từ 10 đến 20 tuổi chiếm tỷ lệ khá nhiều, khoảng 50%; cây chè từ 3 đến 10 tuổi, chiếm hơn 25%, còn lại chè trồng mới và chè trên 20 tuổi. Đến nay, huyện Ba Vì có vùng nguyên liệu gần 2.000ha, năng suất 11 tấn/ha; sản lượng hằng năm đạt gần 4.000 tấn chè búp khô, giá trị vùng nguyên liệu đạt hơn 300 tỷ đồng. Tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi.

Các giống chè trồng trên đất Ba Vì gồm: Ô Long, Kim Tuyên, chè trung du lá nhỏ… cho sản phẩm chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng. Các lớp dạy nghề trồng và chế biến chè an toàn đã được phòng, ban chuyên môn huyện Ba Vì phổ biến từ nhiều năm. Nhưng phải đến năm 2012, khi Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội phối hợp với UBND huyện Ba Vì triển khai đề án phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn, nhân dân mới chính thức thực hiện theo mô hình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). Theo đề án, huyện Ba Vì tập trung chọn giống chè năng suất, chất lượng cao để trồng mới và thay thế nương chè già cỗi; đồng thời, tích cực áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, từng bước khẳng định thương hiệu Chè Ba Vì trên thị trường.

Tham gia mô hình trồng chè VietGAP, chị Nguyễn Thị Hương cho biết, các hộ gia đình trồng chè được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, theo dõi sát sao trong một thời gian dài, liên tục. Khi xảy ra bất cứ vấn đề nào trên vườn chè, cán bộ kỹ thuật đều có mặt và hướng dẫn cách xử lý cụ thể. Đặc biệt, vệ sinh đồng ruộng vốn là khâu yếu của nông dân cũng được chú trọng, các nông hộ đã có ý thức trong thu gom rác thải, vỏ bao bì vào đúng nơi quy định. Chị Đặng Thị Chanh, xã Ba Trại cho biết: sau khi được cán bộ hướng dẫn trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGAP, sản phẩm chè của gia đình chị đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng. Không chỉ có vậy, chi phí giảm, búp chè đẹp và bán được giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với phương pháp trồng thông thường.

Đồng hành cùng nông dân

Bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội cho biết, để sản xuất chè theo hướng VietGAP, đơn vị đã phối hợp với các địa phương huyện Ba Vì hướng dẫn người dân làm sổ nhật ký đồng ruộng cho từng gia đình trồng chè theo dõi chăm sóc đồi chè của từng hộ (như ngày nào phun thuốc, phun loại gì, ngày hái, số ngày cách ly...). Đồng thời, thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn nông dân áp dụng quy cách trồng, chăn sóc, bón phân, phòng bệnh, thu hoạch cây chè theo nguyên tắc (đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng, đúng thời gian). Chị Nguyễn Thị Hương cho biết: “Được cán bộ Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội nhiệt tình nên không việc gì mình phải giấu nghề cả, gia đình mình cũng bắt đầu học hỏi từ con số không, vừa được cán bộ hướng dẫn vừa phải học thêm kinh nghiệm từ bà con xung quanh đối chiếu mới chăm sóc cho cây chè theo đúng quy trình được. Nên ai hỏi là mình chỉ hết, thậm chí còn đến tận nơi xem và chỉ cho họ cách làm cho đúng. Mọi người thành công mình cũng vui theo”.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần chia sẻ: Điều quan trọng nhất là sau khi được học hỏi, người trồng chè đã thay đổi thói quen, đã chú ý tới sức khỏe của mình và gia đình, quan tâm tới sự sạch sẽ của vườn chè và môi trường xung quanh. Bằng nhiều nỗ lực, ngoài việc xây dựng thành công thương hiệu “Chè Ba Vì”, huyện Ba Vì đã mở rộng diện tích trồng chè an toàn được 176ha bằng các giống mới, trồng thay thế diện tích già cỗi. Theo lộ trình, từ nay đến năm 2020, toàn huyện phấn đấu mở rộng nâng diện tích trồng chè an toàn lên con số 400ha.

So với các địa phương, huyện Ba Vì có nhiều thuận lợi, bởi trên địa bàn có 6 nhà máy thu mua và chế biến chè công nghiệp với sản lượng chè búp khô chế biến khoảng 2.174 tấn. Sản lượng chè xuất khẩu ra nước ngoài chiếm từ 50 đến 60% sang các nước: Nhật Bản, Pakistan, Nga, Trung Quốc, Anh, Trung Đông với các sản phẩm chè xanh, chè đen. Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn hiện đã xây dựng được vùng nguyên liệu và nhà máy sản xuất chè quy mô lớn như: Công ty cổ phần Thái Hà, Công ty TNHH Chè Đại Hưng.... Động thái này cho thấy tiềm năng phát triển của vùng chè Ba Vì trong tương lai sẽ là rất lớn.

Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng cho biết: huyện sẽ ưu tiên hàng đầu cho thuỷ lợi và giao thông để phát triển cây chè trong thời gian tới. Đi đôi với quy hoạch mở rộng vùng nguyên liệu, huyện Ba Vì đang khuyến khích doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu cũng như công nghệ chế biến chè thương phẩm. Đồng thời có kế hoạch trồng mới theo quy trình VietGAP thay thế diện tích chè già cỗi.

Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 11
Tổng lượng truy cập: 25495958