Ông Đỗ Văn Kiên - Giám đốc HTX Tam Hưng tham gia tham luận tại Hội thảo.
Căn cứ kết quả khảo nghiệm, thực nghiệm tại Trạm thực nghiệm các đại biểu đều thống nhất lựa chọn ra bộ giống có đặc điểm ưu việt như giống lúa Lam Sơn 10, Lam Sơn 116, Kim Cương 111, ĐB 18 và J01.
Trong khảo nghiệm so sánh vụ xuân 2017 đã đánh giá lựa chọn được một số đặc điểm nổi trội của các giống lúa như: Kim cương 111 có khả năng chống chịu khá với một số sâu bệnh hại chính, đẻ nhánh khá, bông to, hạt xếp xít, hạt màu vàng sáng, khối lượng 1.000 hạt 22,0 - 22,5 gam, năng suất đạt 63 tạ/ha; giống lúa ĐB 18 có khả năng chịu rét, cây cứng, hạt thon nhỏ, xếp xít, thích hợp với chân đất vàn, vàn trũng, nhiễm bạc lá nhẹ, khối lượng 1,000 hạt 21 – 22 gam; giống lúa J01 có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt (nhất là bệnh đạo ôn ở vụ xuân), chống đổ tốt, bông to, hạt xếp xít, tỷ lệ hạt chắc cao, khối lượng 1,000 hạt 24,5 - 25 gam; Giống lúa Lam sơn 116 (CNC11) có năng suất 65 tạ/ha và khả năng kháng đạo ôn, chất lượng gạo khá ngon.
Thí nghiệm canh tác trên giống BT7 cho thấy năng suất CT2 nền phân 280kg NPK (16:16:8) + 82 kg Kali Clorua năng suất vượt hơn CT1 nền phân 450kg NPK (5:10:3) Văn Điển + 180 kg Urê + 150 kg Kali Clorua / ha là 7,5 % và giảm chi phí đầu tư phân bón 672.000 đồng / ha.
Phục tráng, chọn dòng G1 Bắc thơm đạt 11/33 dòng và G2 Bắc thơm số 7 đạt 8/9 dòng. Với sản lượng 10,5 tấn Siêu nguyên chủng Bắc thơm số 7 là nguồn vật liệu gốc để nhân giống lúa cấp nguyên chủng cung ứng cho các HTX sản xuất lúa tại Hà Nội.
Kết thúc hội thảo, các thành viên đã thống nhất đề nghị tiếp tục khảo nghiệm so sánh thêm 01- 02 vụ đối với giống Lam Sơn 10 và đưa ra khảo nghiệm sản xuất các giống có đặc điểm nông sinh học tốt, sinh trưởng và phát triển ổn định Kim cương 111, Lam Sơn 116 và ĐB 18 ở các vùng sinh thái khác nhau của Hà Nội để đánh giá khả năng thích ứng, từng bước bổ sung vào cơ cấu giống lúa./.