Ngay khi việc dán tem nhãn được triển khai, việc tiêu thụ RAT tại Văn Đức đã được thuận lợi. Hiện, sản lượng rau bán buôn qua các thương lái chiếm khoảng 90% sản lượng RAT Văn Đức. Trong đó, lượng rau được gắn nhãn nhận diện khoảng 25 - 30 tấn/ngày, đạt khoảng 70 - 75%. Hiện 70% sản phẩm RAT được gắn tem được tiêu thụ rộng rãi tại các chợ đầu mối của Hà Nội, còn 30% tiêu thụ tại các tỉnh lân cận… Theo ông Chử Đức Nhị, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Văn Đức, RAT được gắn tem nhãn có giá bán cao hơn RAT tại các vùng khác từ 500 - 1.000 đồng/kg. Đặc biệt, thông qua những thông tin trên nhãn tem (địa chỉ sản xuất, thời hạn sử dụng, ngày thu hoạch...), người tiêu dùng một số tỉnh như: Đà Nẵng, Quảng Bình, các nhà hàng, khách sạn, công ty kinh doanh RAT ở các tỉnh lân cận gọi điện đặt mua rau Văn Đức.
Phải kiểm soát tốt chất lượng
Việc gắn nhãn tem nhận diện cho RAT Văn Đức bước đầu đã tạo ra sự cạnh tranh trên thị trường, thúc đẩy sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, người tiêu dùng đã tin tưởng vào chất lượng RAT. Tuy nhiên, việc gắn nhãn tem nhận diện còn chưa thuận lợi. Bởi phần đông nông dân thu hoạch rau lúc chiều muộn, do đó việc gắn nhãn gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc gắn nhãn chỉ tập trung tại các đầu bờ ruộng, trong khi số cán bộ gắn tem còn ít nên mất nhiều thời gian. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Nguyễn Như Tiệp cho rằng, việc triển khai dán tem nhãn nhận diện RAT tại Văn Đức đã tạo điểm nhấn quan trọng để RAT có vị trí trên thị trường. Song, hiện mô hình mới chỉ dừng lại ở việc dán tem cho các lô rau an toàn bán buôn, tức mới kiểm soát được từ nơi sản xuất tới cơ sở bán buôn. \"Từ năm 2013 trở đi mới mở rộng sang việc dán tem cho các lô hàng bán lẻ để kiểm soát chất lượng rau xanh an toàn tới tận tay người tiêu dùng\" - ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho rằng, để việc gắn tem nhãn nhận diện cho RAT được kiểm soát chặt chẽ, người nông dân, chính quyền địa phương và nhà quản lý, đơn vị tiêu thụ cần có sự phối hợp chặt chẽ. Đã nhập RAT tại các vùng được dán tem nhãn phải cương quyết kiểm tra và chỉ nhận những sản phẩm đã có tem nhãn. Đặc biệt, việc quản lý nguồn tem phải hết sức chặt chẽ, tránh thất thoát tem ra ngoài.
Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp, Hà Nội là địa phương đi đầu phong trào sản xuất RAT, nhưng diện tích RAT theo tiêu chuẩn VietGAP mới chỉ có 68,3ha và 312ha có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất RAT. Để các vùng RAT khác tại Hà Nội xây dựng được thương hiệu và tạo sức hút trên thị trường, cần sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn nữa của các cấp, ngành, chính quyền, nông dân và doanh nghiệp.
admin báo Kinh tế & đô thị