Ghi nhận mô hình khuyến nông thanh long ruột đỏ tại huyện Thạch Thất
Trong những năm qua, các dạng mô hình do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập của người nông dân tại các huyện ngoại thành. Nhiều mô hình khuyến nông được nhân rộng bởi hiệu quả kinh tế và xã hội mà các mô hình đem lại. Mô hình khuyến nông thanh long ruột đỏ (TLRĐ) do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai năm 2013 tại huyện Thạch Thất là một trong những mô hình khuyến nông trồng trọt được ghi nhận và đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên 1 hecta canh tác tại các địa phương.

Năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai mô hình thanh long ruột đỏ với tổng diện tích 12ha tại 4 xã trên địa bàn huyện Thạch Thất là Yên Trung, Yên Bình, Bình Yên và Lại Thượng. Đây là những xã thuộc vùng núi và đồi gò, có diện tích tự nhiên rộng, nhiều hộ có quỹ đất từ 1 đến 3 hecta để có thể triển khai mô hình trồng cây thanh long tập trung. Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% giống bằng giống thanh long Long Định 1 và 30% vật tư. Kết quả mô hình năm đầu tiên cho thấy cây thanh long chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với đồng đất địa phương. Quả ăn có vị ngọt, mát, màu sắc đẹp hợp thị hiếu người tiêu dùng. Thời vụ thu hoạch thanh long ruột đỏ bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 11, mỗi năm cho từ 6 đến 8 lứa quả nên sản lượng khá ổn định. Một hec ta cây thanh long ruột đỏ cho thu hoạch khoảng trên 10 tấn quả/năm, với giá bán bình quân từ 25 đến 35 nghìn đồng/kg, mô hình trồng cây thanh long cho thu nhập trung bình  200 triệu đồng/ha/năm. Từ hiệu quả kinh tế mà mô hình đem lại, cây thanh long ruột đỏ không những nâng cao thu nhập mà còn thay đổi tập quán canh tác tại địa phương, người dân đã chuyển đổi một phần diện tích  đất đồi gò trồng sắn, cây lâm nghiệp sang trồng cây thanh long ruột đỏ.

Tham gia mô hình Khuyến nông từ năm 2013, gia đình ông Vương Văn Hải xã Lại Thượng hiện đang có 2,4 hecta trồng thanh long ruột đỏ. Gia đình ông không những mở rộng quy mô diện tích từ 1 hetca ban đầu mà còn đầu tư bồn chứa và hệ thống đường ống cung cấp nước tưới cho cây. Ông Hải cho biết:  năm đầu tiên mô hình thanh long cho doanh thu 350 triệu đồng, thấy cây thanh long cho thu nhập cao vì thế để chủ động trong khâu tưới vợ chồng ông đã đi học hỏi và tìm hiểu mô hình tại huyện Ba Vì rồi về đầu tư gần 100 triệu đồng mua bình chứa nước và hệ thống ống dẫn nước đến mỗi gốc cây, nhờ thế mà đỡ vất vả hơn.

Năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai mô hình 3ha thanh long ruột đỏ tại xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. Là hộ tham gia mô hình, ông  Đỗ Văn Thường thôn Đồi Sen thấy trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế hơn hẳn với trồng cây lâm nghiệp trước kia nên mỗi năm gia đình ông lại mở rộng thêm diện tích trồng loại cây này. Đến nay, với 2 hecta trồng 2.200 gốc thanh long ruột đỏ, gia đình ông Thường có thu nhập ổn định trên dưới 300 triệu đồng mỗi năm.

Từ năm 2010, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông xây dựng mô hình trồng thâm canh Thanh long ruột đỏ tại vùng đất đồi gò của xã Cẩm Lĩnh - huyện Ba Vì, với qui mô 20 ha  giống Thanh long ruột đỏ Long Định 1. Mục tiêu là xây dựng vùng sản xuất thanh long ruột đỏ tập trung, có áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật: từ khâu chọn giống, kỹ thuật chăm sóc, thu hái, sơ chế và bảo quản, nhằm tạo ra sản phẩm thanh long an toàn, chất lượng, cho năng suất cao và ổn định, là cơ sở để mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ trên các vùng đất đồi gò của thành phố. Từ mô hình điểm tại ba Vì, đến nay, diện tích trồng thanh long ruột đỏ toàn thành phố đã đạt trên 100 hecta. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn văn Hà – Trưởng phòng Khuyến  nông trồng trọt - Trung tâm Khuyến nông cũng khuyến cáo với bà con, mặc dù thanh long là một trong những loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc, phù hợp với nhiều loại đất và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Song muốn cho năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững và thực hiện theo đúng kỹ thuật hướng dẫn, nhất là về giống, phân, nước và cách chăm sóc.

Mô hình thanh long ruột đỏ là một trong rất nhiều dạng mô hình mà Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai thực hiện. Mô hình đã góp phần đa dạng hoá các sản phẩm cây ăn quả của thành phố, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội, nâng cao đời sống cho người dân ở các vùng đồi gò của Hà Nội. Các dạng mô hình của Khuyến nông đã và đang phát huy hiệu quả tốt. Thông qua các hoạt động tập huấn, xây dựng mô hình trình diễn, đưa những tiến bộ khoa học công nghệ về với bà con nông dân, các mô hình do Trung tâm Khuyến nông triển khai đã góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi và gia tăng giá trị sản xuất, cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

Lưu Phượng - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 4958
Tổng lượng truy cập: 25495958