Công văn nêu rõ, UBND thành phố nhận được văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát sỏi lòng sông. Cụ thể, thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và quản lý việc khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Tăng cường công tác quản lý, giám sát ngăn ngừa và xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác cát, sỏi lòng sông; phân giao nhiệm vụ cụ thể, gắn trách nhiệm người đứng đầu các ngành, chính quyền các cấp trong công tác kiểm tra, ngăn ngừa và xử lý vi phạm; giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp huyện chủ trì trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn; xây dựng và ban hành các quy định cụ thể để tăng cường hiệu quả công tác quản lý, xử lý vi phạm như quy chế phối hợp, quy trình thủ tục cấp phép và quản lý sau cấp phép các hoạt động liên quan đến đê điều, quy định điều kiện được phép hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức xây dựng quy chế về quản lý, phối hợp công tác, chế độ thông tin báo cáo của các tổ chức ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt tại địa bàn cấp huyện với UBND cấp huyện, cấp xã trong việc tổ chức quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, nạo vét, khai thác và kinh doanh cát sỏi lòng sông liên quan đến đê điều. Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện phong trào “Xây dựng đê kiểu mẫu” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động.
Chỉ đạo các ngành và chính quyền các cấp thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, chức năng, nhiệm vụ được giao, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm mới phát sinh, không để tồn tại vi phạm mới, tái phạm; tăng cường công tác phối hợp để xử lý dứt điểm các vi phạm pháp luật về đê điều xảy ra, các vi phạm có quy mô lớn, phức tạp, kéo dài gây bức xúc trong dư luận; xử lý nghiêm các vụ tiếp tay hoặc làm ngơ của chính quyền địa phương đối với các hành vi lấn chiếm lòng dẫn, phá hoại đê điều, khai thác cát sỏi lòng sông trái phép, sai phép gây ảnh hưởng an toàn đê điều, sạt lở bờ sông; động viên, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ.
Thường xuyên mở các đợt cao điểm xử lý các hành vi vi phạm về đê điều, khai thác, vận chuyển và kinh doanh cát sỏi liên quan đến đê điều. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch xử lý, giải tỏa các vi phạm pháp luật về đê điều còn tồn đọng trên địa bàn, thống kê, phân loại vi phạm để kiên quyết xử lý theo quy định pháp luật các vi phạm, sai phạm (ngăn chặn, giải tỏa, thu hồi giấy phép kinh doanh,...).
Rà soát kiểm tra các hoạt động nạo vét luồng lạch, khai thác, tập kết cát sỏi; quy hoạch bến bãi kinh doanh cát sỏi và thăm dò khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn. Kiên quyết thu hồi, giải tỏa những bến bãi đang hoạt động trái phép, sai phép, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Việc cấp phép các hoạt động nạo vét, khai thác cát, sỏi lòng sông, sử dụng bến bãi cần có ý kiến của cơ quan quản lý đê điều theo quy định pháp luật về đê điều. Công khai quy hoạch, các điểm được cấp phép khai thác, kinh doanh cát sỏi, các điểm, cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng…
Về việc trên, UBND thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu đề xuất kế hoạch, dự thảo văn bản của UBND thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo UBND thành phố trước 15/4/2016.
Văn Quyết