Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội: Mở hướng tiêu thụ nông sản cho nông dân
Trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất tới tiêu thụ, nông dân luôn chịu nhiều thiệt thòi nhất. Họ chủ yếu là những hộ sản xuất nhỏ lẻ, thiếu thông tin về thị trường nên thấy trồng cây gì là trồng theo, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu và bị mất giá. Ngoài ra, còn bị tư thương ép giá bởi không phải ai cũng có thể tự mang sản phẩm ra chợ bán mà phần lớn tiêu thụ qua thương lái. Sự ra đời của Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.

 Việc tiêu thụ nông sản không riêng Hà Nội mà nông dân cả nước trong nhiều năm trở lại đây luôn lặp lại tình huống, cứ vào vụ là rớt giá, ế ẩm. Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội, do tồn tại của lịch sử, ngành nông nghiệp đối mặt với ba thách thức lớn. Thứ nhất, đại bộ phận các nhà sản xuất rất nhỏ lẻ, manh mún, năng lực quản trị sản xuất kinh doanh và tiếp cận thị trường rất thấp, nguồn lực hạn hẹp nên rất yếu thế trên thị trường và ít có cơ hội kết nối vào các chuỗi giá trị lớn, ổn định và có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, cần có một hệ thống giao dịch giúp họ kết nối dễ dàng và nhanh chóng với rất nhiều đầu mối tiêu thụ trên thị trường với chi phí không đáng kể. Thứ hai, trong các chuỗi giá trị tồn tại quá nhiều khâu trung gian, cả ở đầu vào và đầu ra, dẫn đến hậu quả là người sản xuất phải mua vật tư đầu vào giá cao và bán sản phẩm đầu ra giá thấp trong khi giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng cuối cùng lại rất cao nên cần có một hệ thống giao dịch cho phép loại bỏ các khâu trung gian không cần thiết. Thứ ba, việc giao dịch giữa các mắt xích trong chuỗi giá trị kém minh bạch nên gần như không thể truy xuất nguồn gốc, đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện trạng vật tư đầu vào giả hoặc kém chất lượng vẫn tồn tại phổ biến gây hại cho người sản xuất trong khi sản phẩm đầu ra không kiểm soát được chất lượng tràn lan gây hại cho người tiêu dùng. Vì vậy rất cần có một hệ thống giao dịch cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Xuất phát từ nhận thức đó, được sự ủng hộ của UBND TP Hà Nội và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sàn Giao dịch rau quả và thực phẩm an toàn Hà Nội đã được thành lập và chính thức vận hành giao dịch từ tháng 10/2011. Thông qua sàn giao dịch giúp HTX, trang trại, nhà sản xuất mua được vật tư tốt từ các nhà cung cấp uy tín. Bởi chỉ có các nhà cung cấp “đạt chuẩn” mới được tham gia giao dịch với giá bán thấp hơn nhờ kết nối trực tiếp bỏ qua các khâu trung gian không cần thiết. Với HTX, trang trại, nhà sản xuất tham gia giao dịch, không những kết nối trực tiếp và bán hàng đến nhiều đầu mối tiêu thụ khác nhau trên thị trường, còn xây dựng được thương hiệu, tạo lập thị trường tiêu thụ ổn định, thúc đẩy bán hàng với giá bán tốt hơn vừa được hỗ trợ tiếp nhận thông tin thị trường để điều chỉnh sản xuất phù hợp. Ngoài ra, tránh được rủi ro lệ thuộc vào hợp đồng bao tiêu của một doanh nghiệp phòng khi doanh nghiệp gặp khó khăn hoặc phá hợp đồng.
Để mang lại hiệu quả cao nhất, Sàn thực hiện hỗ trợ liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân và ngược lại, nông dân với doanh nghiệp. Theo đó, hỗ trợ tổ hợp tác, nhóm sản xuất của nông dân, các hoạt động như đào tạo tăng cường năng lực lập kế hoạch và tổ chức sản xuất định hướng thị trường theo chuẩn giao dịch chung của Sàn cho các tổ hợp tác, nhóm sản xuất. Kết nối các tổ hợp tác với các doanh nghiệp liên kết hợp tác đầu tư hoặc tiêu thụ sản phẩm thông qua Trung tâm Giao dịch Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của Sàn. Kết nối giao dịch mua vật tư nông nghiệp qua Sàn để mua vật tư tốt, có nguồn gốc rõ ràng với giá cạnh tranh. Cung cấp thông tin thị trường và tư vấn các biện pháp điều chỉnh sản xuất và tiếp thị phù hợp cho các tổ hợp tác, nhóm sản xuất. Còn doanh nghiệp kết nối giao dịch với các tổ hợp tác, nhóm sản xuất của nông dân. Sàn cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển như hỗ trợ tìm kiếm, liên hệ và kết nối đến đúng các tổ hợp tác, nhóm sản xuất phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Hỗ trợ hai bên trong quá triển triển khai hợp tác đặc biệt khi xảy ra các sự cố phát sinh ngoài ý muốn. Giúp các doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng lưới các điểm kết nối bán sản phẩm trực tiếp tới các khu dân cư do Sàn phát triển.
Với các hoạt động nêu trên, trong 3 năm hoạt động, Sàn đã có bước phát triển vượt bậc và hỗ trợ hiệu quả cho rất nhiều tổ hợp tác, nhóm sản xuất. Từ chỗ, xuất phát điểm ban đầu chỉ có 8 hợp tác xã ở Hà Nội được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội hỗ trợ tham gia giao dịch tại Trung tâm Giao dịch Hà Nội đến nay đã có 625 tổ hợp tác ở 11 tỉnh tham gia giao dịch qua cả Trung tâm Giao dịch Hà Nội và Văn phòng đại diện giao dịch của Sàn tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, các tổ hợp tác, nhóm sản xuất tham gia giao dịch trên Sàn đều đạt kết quả tốt, đặc biệt những đơn vị có sản phẩm tốt, giá cạnh tranh thường không có đủ hàng để giao. Ngoài ra, từ 3/2015 đến nay, với sự hỗ trợ của các đối tác Nhật Bản, Sàn đang triển khai hoạt động “thúc đẩy xuất khẩu nông sản an toàn tại chỗ”. Theo đó, tổ chức chuỗi giá trị sản xuất và cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, an toàn đi kèm với dịch vụ hoàn hảo cho các cộng đồng người nước ngoài tại Hà Nội…

 

Thanh Bình
HANOI PORTAL

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1342
Tổng lượng truy cập: 27967895